Thứ 4, 02/04/2025, 23:44

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao ST25

HOÀNG SA 05:37, 24/03/2025

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã Nam Ninh, huyện Đạ Huoai đã mạnh dạn đưa giống lúa chất lượng cao ST25 vào canh tác và đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, địa phương đang tích cực triển khai xây dựng vùng lúa chất lượng cao, định hướng nông dân sản xuất "xanh", xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Nông dân xã Nam Ninh đưa giống lúa chất lượng cao ST25 vào canh tác tại địa phương 
và đạt hiệu quả kinh tế cao
Nông dân xã Nam Ninh đưa giống lúa chất lượng cao ST25 vào canh tác tại địa phương và đạt hiệu quả kinh tế cao

Nam Ninh, huyện Đạ Huoai là xã thuần nông với trên 85% hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trong đó, chủ yếu là trồng lúa, với tổng diện tích canh tác đạt 1.279 ha. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nông dân sản xuất không đồng giống, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, dẫn đến tăng chi phí đầu vào và giảm thu nhập đầu ra của nông sản; không tạo sản phẩm là hàng hóa rất khó khăn cho cạnh tranh đầu ra của sản phẩm, thường được mùa mất giá.

Chính vì vậy, từ năm 2021, UBND xã Nam Ninh đã hỗ trợ các đơn vị thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao Dũng Phong tại thôn Ninh Hạ, qua đó nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất và thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào và liên kết đầu ra. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn hoạt động của Hội Nông dân xã Nam Ninh, tổ hợp tác đã xây dựng quy chế hoạt động của tổ; đồng thời, ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa cho các đơn vị như: Hợp tác xã Tân Hưng Phát xã Gia Viễn, Hợp tác xã Tiến Thắng xã Nam Ninh.

Chị Phạm Thị Tươi - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao Dũng Phong cho biết, tổ hợp tác đi vào hoạt động, các thành viên trong tổ hưởng ứng, đồng tình chuyển từ sản xuất các giống lúa cũ như OM18, OM5451… sang sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao như ST25 trên diện tích ban đầu khoảng 10 ha/5 hộ. Đây là giống lúa năng suất và chất lượng cao, đầu ra ổn định trên thị trường. Trong quy trình sản xuất lúa, tổ hợp tác đã vận động các tổ viên tổ chức xuống giống đồng loạt, phun thuốc và bón phân theo trình tự “1 phải, 5 giảm”, “3 tăng, 3 giảm” nên hạn chế sâu bệnh; thực hiện gieo sạ bình quân khoảng 12 kg - 14 kg lúa giống ST25/0,1 ha. Qua đó, năng suất lúa thu hoạch đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 25 triệu đồng/ha/vụ. Từ đó, các thành viên trong tổ hợp tác đã mạnh dạn hơn trong sản xuất giống lúa này; đồng thời, tổ hợp tác đã kết nạp thêm nhiều thành viên và không ngừng mở rộng diện tích canh tác.

Trong quá trình hoạt động từ năm 2021 đến nay, tổ hợp tác thường xuyên tổ chức họp định kỳ nhằm đánh giá hoạt động sản xuất, trao đổi kỹ thuật, tình hình sâu bệnh và lấy ý kiến thương thảo về giá đầu ra với hợp tác xã. Mặt khác, nhờ đơn vị đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với các đơn vị hợp tác xã trên địa bàn huyện Đạ Huoai nên các thành viên trong tổ hợp tác không chỉ được cung cấp giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, còn bao tiêu sản phẩm với giá thị trường…

Ông Phạm Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Ninh cho biết, những năm trước đây, nông dân canh tác lúa theo phương thức truyền thống, năng suất thấp nên luôn lo lắng về đầu ra. Từ khi Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao Dũng Phong ra đời, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chọn giống lúa đạt chất lượng cao, năng suất nhiều nên nông dân an tâm sản xuất, nhất là khâu thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào và liên kết đầu ra. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa là điều kiện thuận lợi giúp địa phương trong việc tổ chức lại và liên kết sản xuất. Qua đó, giúp xã Nam Ninh không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế và giá trị gia tăng của cây lúa, còn góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất. Đặc biệt, các thành viên tham gia vào tổ hợp tác đã chuyển từ sản xuất tự phát, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ thành công ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã Nam Ninh đã thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất chất lượng cao. Trong đó, Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao Dũng Phong hiện đang có 11 hộ tham gia, canh tác sản xuất trên diện tích 25 ha; Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao Ninh Đại hiện có 9 hộ tham gia, canh tác trên diện tích 12 ha. Năng suất lúa trung bình các tổ hợp tác đạt được trong vụ mùa Đông - Xuân năm 2025 từ 67 - 69,7 tạ/ha, giá bán lúa đạt từ 8.500 - 9.500 đồng/kg.

Qua triển khai mô hình và theo dõi mô hình đi vào hoạt động, UBND xã Nam Ninh  nhận thấy mô hình này cần nhân rộng trên địa bàn toàn xã nói riêng và trong toàn huyện nói chung. Vì hiện nay sản xuất nông nghiệp không theo lối truyền thống, không thể sản xuất cho nhu cầu của gia đình mà nhu cầu thị trường đó chính là hàng hóa, chỉ có thể liên kết sản xuất mới đủ sức cạnh tranh thị trường mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho các nông hộ. 

"Trong thời gian tới, UBND xã Nam Ninh sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tổ hợp tác trồng lúa ST25 trên địa bàn xã. Đồng thời, định hướng nông dân sản xuất "xanh" theo quy trình khép kín, từ khâu lựa chọn giống tốt, bón phân theo tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu và tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP lúa ST25 xã Nam Ninh", ông Bình cho hay.