Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

08:09, 23/09/2010

Do thời tiết và thị trường tiêu thụ trong nước, nước ngoài không thuận lợi nên sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ không đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đã định(dự kiến khoảng 5-6%/15% KH). Trước tình hình đó, UBND tỉnh có chủ trương gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thực tế, kiến nghị đề xuất và có biện pháp tháo gỡ, nhằm giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Do thời tiết và thị trường tiêu thụ trong nước, nước ngoài không thuận lợi nên sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ không đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đã định(dự kiến khoảng 5-6%/15% KH). Trước tình hình đó, UBND tỉnh có chủ trương gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thực tế, kiến nghị đề xuất và có biện pháp tháo gỡ, nhằm giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chủ trương đó, sáng 8-9-2010, tại Hội trường UBND huyện Đức Trọng, đồng chí Hoàng Sỹ Sơn - UV Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - đã chủ trì buổi gặp gỡ với 14 doanh nghiệp trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu đóng chân trên địa bàn 3 huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà để năm bắt tình hình, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp đã phản ánh tình hình khó khăn của đơn vị mình như: Thời tiết khô hạn, các hồ chứa đều ở dưới mực nước chết, nên chạy máy phát điện chỉ đạt 1/10 công suất, sản xuất điện ước chỉ đạt 65% KH năm; tình trạng tranh thu mua cà phê để xuất khẩu khi số lượng thu mua, chế biến cà phê trong giấy phép cấp cho các doanh nghiệp cao gấp hai lần sản lượng thực tế của địa phương đã đẩy đến tình trạng mua cà phê tươi, cà phê không đảm bảo chất lượng và giá cà phê chế biến trong nước cao hơn giá cà phê thế giới, nên tại Công ty Thái Hòa; Hoàng Đạo... kết thúc năm giá trị SXKD ước chỉ đạt 40-60% KH. Lĩnh vực xuất khẩu rau, hoa cũng gặp khó khăn không kém do gặp thời tiết khô hạn, sâu bệnh và thị trường xuất khẩu bấp bênh, không ổn định, khó tiếp thu với nguồn vốn của ngân hàng....

Sau khi nghe các sở, ngành và các địa phương phản ánh tình hình thực tế và đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh SXKD lĩnh vực công nghiệp, chế biến xuất khẩu, đồng chí Hoàng Sỹ Sơn kết luận: Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và sẽ có biện pháp, giải pháp giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong SXKD. Vấn đề cần quan tâm giải quyết là phải đẩy mạnh sản xuất xây dựng để bù đắp sự sụt giảm của tăng trưởng sản xuất công nghiệp; cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế hợp tác; Các doanh nghiệp và các ngành, các địa phương cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với nhau trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh SXKD; ngành điện cần hạn chế cắt điện, và vì yếu tố khách quan phải cắt điện thì phải thông báo để các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch SXKD; ngành ngân hàng cần tăng cường huy động vốn, để đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời nhu cầu vốn đầu tư SXKD của các doanh nghiệp; Sở Công-Thương cần nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra tình hình SXKD của các doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh kịp thời có biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp DN đẩy mạnh SXKD. Các địa phương, các ngành chức năng cần taq5o mọi điều kiện thuận lợi để giúp các doanh nghiệp phát huy tác dụng các dự án đầu tư, nhất là các dự án mới đưa vào hoạt động để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương.

Cùng nội dung trên, ngày 7/9, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chủ trì buổi làm việc với một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 2.680 tỷ đồng, tăng 3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ đạt trên 14 ngàn tỷ đồng, tăng 23,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 141,84 triệu USD, bằng 42,34% kế hoạch, giảm 11,86% so với cùng kỳ này năm ngoái… Dịp này, các doanh nghiệp đã nêu lên một số khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, đó là: việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng suy thoái toàn cầu đã làm cho việc tìm kiếm, mở rộng thị trường còn nhiều bất cập; nguyên liệu đầu vào không ổn định nên không chủ động được sản xuất; tình trạng cúp điện thường xuyên trong những tháng mùa khô đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn đã chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời yêu cầu các ban ngành, địa phương cần thường xuyên gặp gỡ để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Đối với ngành điện từ nay đến cuối năm phải hạn chế tình trạng cúp điện trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp; chủ động đầu tư xây dựng hệ thống điện nhằm cung cấp điện kịp thời cho các dự án đầu tư mới; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên làm việc, chỉ đạo với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Riêng các doanh nghiệp, sau buổi làm việc này cần tổ chức phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, cũng như giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động…

Hồng Hải