30 năm trăn trở với nghiệp khoai tây

03:10, 13/10/2010

30 năm gắn bó với cây khoai tây, chị Lương Thị Thu Lan chỉ mong muốn một ngày, cây khoai tây Đà Lạt sẽ trở thành loài cây mang lại giàu có, thịnh vượng trên vùng đất cao nguyên.

Gặp chị Lương Thị Thu Lan, người phụ nữ làm chủ một trong những trại giống khoai tây lớn của Đà Lạt, ấn tượng ập vào người tiếp xúc là khoai tây. Bởi vì từ đầu tới cuối câu chuyện, mỗi lời nói của chị đều là những suy nghĩ về cây khoai tây. Bởi như chị cũng tự nhận, 30 năm nay, chị đã chót dính vào "nghiệp” nuôi cấy mô khoai tây.

 

Máy ép đất tự động.
Máy ép đất và khay gỗ đã bớt cho môi trường một gánh nặng các vỉ xốp phế thải vứt bừa bãi không thể phân hủy.

Năm 1980, sau khi rời khỏi môi trường thanh niên xung phong, chị Lan trở thành sinh viên khoa trồng trọt ĐH Cần Thơ. Ngay sau khi ra trường, chị được phân phụ trách nuôi cấy mô khoai tây của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Đà Lạt và từ đó tới giờ, chị gắn bó với cây khoai tây và người nông dân trồng khoai.

Năm 1995, chị rời môi trường nhà nghiên cứu, trở thành người cấy mô khoai tây tư nhân với mong muốn áp dụng được những thay đổi, những cải tiến của mình vào nâng cao chất lượng cây giống. Từ bấy tới nay, từ trại giống nhỏ xíu ban đầu, nay trại giống khoai tây của chị đã trở thành một trong những nơi cung cấp giống khoai tây uy tín nhất, được nông dân Đà Lạt tin tưởng và chọn lựa.

Vốn là nhà khoa học, mỗi khi làm một giống khoai mới nào cung cấp cho thị trường, chị Lan đều làm từ công đoạn nuôi cấy mô, trồng thử nghiệm trong vườn nhà, tới khi cây cho củ đạt chuẩn như mong muốn chị mới tiến hành sản xuất giống hàng loạt. Hiện trại ươm của chị đang cung cấp những giống khoai cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng như hồng 07, hồng lá láng, vàng cao sản. Riêng giống hồng lá láng, loại khoai thịt cao sản là một trong những niềm vui của chị Lan. Đây vốn là giống khoai tây được trồng ở Đà Lạt nhiều chục năm, qua thời gian giống thoái hóa khá nhiều.

Chị đã cùng nông dân chọn khảo nghiệm, phục tráng lại giống khoai này trong phòng thí nghiệm và đưa ra thành công cây khoai tây giống siêu sản, củ lớn, năng suất cực cao được bà con rất ưa chuộng. Không chỉ làm giống khoai tây, chị là một người tư vấn kỹ thuật đúng nghĩa cho bà con. Anh Nguyễn An Khang, nhà tại 38/3 Tùng Lâm, Phường 7, Đà Lạt, người đã 15 năm trồng khoai tây cho biết: “Mua giống ở đây rất yên tâm vì cây khỏe, ít hao hụt trên đồng. Chị Lan lại rất nhiệt tình, cây bệnh gì, trị ra sao, chỉ cần đưa tới cho chị xem là chị nhận ra bệnh liền, chỉ tui cách chữa trị đúng kỹ thuật nên tôi chỉ tin mua khoai giống ở đây”.

Trong việc sản xuất giống khoai, chị Lan tuân thủ rất chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật và đặc biệt là bảo vệ môi trường trong sản xuất. Vườn ươm của chị là cơ sở đầu tiên không dùng vỉ xốp khi sản xuất giống mà thay vào đó là dùng máy làm đất chuyên dùng. Chị nói: “Vỉ xốp làm từ các hạt xốp, khi vỉ hỏng sẽ thải ra môi trường một lượng lớn hạt xốp rất khó phân hủy, ngoài ra còn là trung gian truyền bệnh cho cây giống. Ở đây chúng tôi sử dụng máy ép đất tự động, hoàn toàn không gây hại và rất tốt cho cây trồng”. Máy ép đất do chị đặt hàng một kỹ sư cơ khí làm ra rất hiệu quả, máy chạt trên băng chuyền, ép đất thành khuôn, cắt đất và xoay lỗ cùng một lúc. Công nhân chỉ việc xúc “miếng”đất vào khay gỗ, ươm ngọn và chuyển tới các nhà vườn.

Nhà vườn bẻ từng miếng đất khứa sẵn có chứa cây giống, trồng xuống và trả khay lại cho vườn ươm. Việc dùng máy ép đất và khay gỗ đã bớt cho môi trường một gánh nặng các vỉ xốp phế thải vứt bừa bãi không thể phân hủy. Mỗi tháng, chị cung cấp cho thị trường xấp xỉ 300 ngàn cây giống sạch, chất lượng tốt với mong ước nhà vườn nào cũng bội thu. Còn với “người đàn bà khoai tây” như chị tự nhận, chị bộc bạch: “Ngày xưa nông dân Đà Lạt trồng khoai tây quanh năm, hiện giờ chỉ còn trồng được trong mùa khô vì vào mùa mưa, cây bị bệnh và năng suất rất thấp.

Hiện tôi đang khảo nghiệm và sắp sửa đưa ra một giống khoai tây mới, có khả năng kháng bệnh trong mùa mưa để bà con tăng vụ, tăng năng suất. Mong muốn của tôi là làm sao cây khoai tây Đà Lạt phát triển đúng với công sức của nông dân, để bà con làm giàu được với loài cây này”.

30 năm gắn bó với cây khoai tây, chị Lương Thị Thu Lan chỉ mong muốn một ngày, cây khoai tây Đà Lạt sẽ trở thành loài cây mang lại giàu có, thịnh vượng trên vùng đất cao nguyên.

Diệp Quỳnh