Người cựu binh và niềm tin hoa hồng

04:10, 27/10/2010

Người lính già năm nào giờ là một lão nông thực thụ và đầy kinh nghiệm. Ông là ông chủ vườn của vài sào hoa hồng trồng trong nhà kính hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Người lính già năm nào giờ là một lão nông thực thụ và đầy kinh nghiệm. Ông là ông chủ vườn của vài sào hoa hồng trồng trong nhà kính hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Nhưng đấy là chuyện của hiện tại, gần 20 năm về trước, có một người lính về hưu hàng ngày phải đi làm thuê, tối về san đất, trồng rau thồ đi bán kiếm từng đồng bạc lẻ để nuôi sống vợ con. Suốt cả quãng dài nhọc nhằn ấy, chất lính can trường trong ông chưa bao giờ vụn vỡ, luôn có một niềm tin thường trực. Niềm tin vào đất, vào ngày mai và cho đến hôm nay khi đã nếm trải gần hết những mặn ngọt của cuộc mưu sinh, niềm tin ấy đã được đền bù bằng sắc màu của những bông hồng mọc lên từ đất thấm đầy mồ hôi của ông.
 
Bác Đức luôn có niềm tin vào đất và cuộc sống phía trước.
Bác Đức luôn có niềm tin vào đất và cuộc sống phía trước.

Chẳng khó để hỏi tên ông ở khu phố Đăng Lèn (TT Lạc Dương). Bởi chuyện một người nông dân trồng lagim, sống theo từng mùa vụ, dám phá bỏ tất cả, cầm sổ đỏ lên ngân hàng vay vài trăm triệu đồng để đầu tư trồng hoa hồng luôn là chuyện lạ ở xứ nghèo này.

Trong bình yên của xóm núi dưới chân Lang Biang, bên ly nước trà xanh đặc quánh mà người quê ông vẫn hay uống và đem ra mời khách, ông kể cho tôi nghe về cuộc đời ông. Như một ngã rẽ và có thể cũng là định mệnh của số phận, sau khi giải ngũ với quân hàm đại uý, ông đã quyết định mang theo vợ và hai đứa con nhỏ vào Nam Tây Nguyên để thay đổi cuộc sống. Chuyến đi ấy theo ông là một thách thức, bởi ở quê đất đã cằn cỗi lại đông người, về hưu không lẽ chỉ quanh quẩn với mảnh vườn, đang còn sức vóc, lại quen những ngày làm việc trong môi trường quân đội nên ông đã quyết định ra đi.

Hành trình của người lính Trần Thái Đức gần 20 năm về trước khi tạm xa mảnh đất quê hương Đức Thọ (Hà Tĩnh) đến với quê mới Lạc Dương chỉ đơn giản là thế. Cuộc hành trình của chính ông trên miền đất mới đầy xa lạ, kể từ khi vỡ đất gieo từng hạt rau, đến khi có được những vườn hoa hồng nhà kính như hôm nay mới thật sự gian truân và khiến ai chứng kiến cũng phải khâm phục. Với riêng tôi, chắc chỉ có chất lính, chất “bộ đội cụ Hồ”, sự từng trải, ý chí cộng với niềm tin ông mới có thể vượt qua mọi chuyện để làm được tất cả những điều ấy.

Mới gần đây, vườn hồng của ông bị nấm bệnh, mất gần hai trăm triệu đồng cho lứa thu đó. Trong giọng nói nặng trịch, không thừa thiếu một chữ của nhà binh, ông nói chuyện trồng bông kinh doanh khác gì doanh nhân trên thương trường đâu, được mất là lẽ thường thôi. Có lẽ vậy, bởi sau những gì đã trải qua, với ông có lẽ mọi chuyện đều nằm trong tầm “kiểm soát”. Vực dậy sau những mất mát, như là một nguyên lý sống “không đầu hàng” số phận của người cựu binh này.

Đầu năm 1994, vào Lạc Dương, có bao nhiêu vốn liếng dành dụm được ông mua hết đất, khoảng 2 chỉ vàng /1 sào (mảnh vườn ông hiện có), tài sản quý nhất còn lại là chiếc xe đạp thồ Điện Biên được đơn vị hóa giá cho trước khi ra quân. Ngày ấy, khu phố Đăng Lèn bây giờ chỉ là một xóm nhỏ, thưa thớt vài nóc nhà, đất um tùm cỏ dại, đường vào chỉ là lối mòn. Gửi vợ con ở nhờ, ngày ông đi làm thuê, từ nhổ cỏ làm vườn, đến hái rau, hái bông, làm tất cả mọi việc miễn sao có tiền công nhật để cơm áo từng bữa cho gia đình. Tối về, lùa vội chén cơm cho “chặt” dạ dày, ông lại sang mảnh đất mua được đào bới, san lấp cho bằng phẳng để có thể dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ an cư.


Bắt đầu cuộc sống trên miền đất mới bằng việc trồng rau, ông trồng tất cả mọi thứ theo từng mùa vụ, theo thị trường và theo cả những người trồng rau xung quanh miễn sao được giá. Và hẳn cũng chẳng dễ để ổn định đời sống, vốn ít, kinh nghiệm lại chưa có nên bữa no, bữa đói của gia đình luôn “phập phù” theo sự bấp bênh của giá cả thị trường. Đã nhiều mùa vụ hai vợ chồng ông nuốt nước mắt vì rau đến vụ không bán được do quá rẻ phải nhổ bỏ vứt chất đống ủ phân xanh. Nhiều lúc, đúng thời điểm, rau củ được giá, một mình ông lại phải thu hoạch chất lên chiếc xe thồ vượt vài km đường mòn trơn trượt trong mùa mưa ra ngoài điểm thu mua. Miếng cơm, manh áo trên đất mới, từ vườn rau và từ chính sức lao động thật chẳng dễ suôn sẻ cho một người “chân ướt, chân ráo” như ông nhập cuộc.

Mười mấy năm trồng rau, lại chịu khó học hỏi qua sách vở, qua những người có kinh nghiệm, ông đã có “chút vốn” lận lưng theo cả hai nghĩa. Nhưng việc trồng rau cũng chẳng mang lại cho gia đình dư dả, của ăn của để. Nên ông đã “đánh bạc” thêm một lần nữa với số mệnh, quyết định vay ngân hàng chuyển hướng làm ăn. Năm 2007, ông đầu tư cho 3 sào hoa hồng và nhà kính hết 300 triệu đồng. Hiện tại, mỗi ngày ông hái 1.500 đến 2.000 bông, ông cũng không chạy theo thị trường, không đánh cược với sự lên xuống, trôi nổi của giá cả mà ông nhập cho một công ty thu mua, ổn định dù bất cứ thời điểm nào trong năm với giá 850 đồng/1 bông. Ông nói, kể từ khi cho thu hoạch thì chỉ khoảng 5,6 năm là ông trả hết nợ ngân hàng.

Trong căn nhà gỗ vẫn còn nguyên vẹn, chưa thay đổi kể từ khi mới vào lập nghiệp, tôi thấy sự bình yên và hạnh phúc nơi ông. Dẫu phía trước nơi người đàn ông “nặng nợ” với chính mình này vẫn còn đó những lo âu thường trực. Vườn hồng cũng vừa bị nấm bệnh, rau hoa hẳn cũng có lúc “trở trời” với mưa nắng, mà cái nghiệp làm nông đã gắn với ông kể từ khi vào với đất này. Gần 20 năm “vật lộn” với đất, với rau, với hoa, chuyện “ngồi chơi, xơi nước” với người đàn ông đã qua cái tuổi ngũ tuần này là gần như không thể, dù rằng ông có thể cho mình được cái quyền đó.

Hạnh phúc và ổn định nơi ông có lẽ là gia đình nhỏ của mình. Hai cậu con trai ông mang theo vào Lạc Dương từ khi còn nhỏ, giờ một đã là sỹ quan Học viện Lục Quân Đà Lạt, đứa còn lại cũng đang là SV năm 3 của Trường Sỹ quan Lục Quân II. Ông vui vì bọn trẻ theo nghiệp mình, tôi không dám chắc nhưng có lẽ sự trưởng thành và sự lựa chọn của chúng mới đem lại phần nào sự thư thái, cảm giác được “thả lỏng” với mưu sinh sau chừng ấy năm nơi ông. Ông không nói, nhưng hơn thế nữa là khu phố Đăng Lèn ngày nào giờ đã là một vùng đông đúc dân cư, nơi đời sống người dân cũng đã khấm khá lên vì chính rau, hoa. Ông được chính những đồng đội trong Hội CCB khu phố Đăng Lèn chọn làm làm nhân vật điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hỏi ông điều đó, trả lời tôi vẫn là cái giọng nói nặng trịch, không thừa không thiếu: Có gì đâu, thà người ta thành công giàu có, tôi chỉ vì cuộc sống thôi mà. Có thể ông “không biết”, sự từng trải và không hề đầu hàng số phận nơi ông cũng như việc, trong 3 nhiệm kỳ ông tham gia làm Trưởng thôn, ông đã từng lặn lội đạp xe nhiều lần lên tận Nhà máy nước Suối Vàng gặp chính Giám đốc nhà máy để xin đường ống nước sạch cho bà con trong khu phố (và được), ông hoàn toàn xứng đáng với niềm tin của những người lính như ông.

Ông tặng tôi một bó hoa hồng nhiều màu sắc tự tay cắt từ chính vườn nhà, tôi nhận vì biết rằng chẳng có gì thay đổi được “chất lính” trong ông, luôn can trường, thích vượt lên số phận và không có khái niệm gục ngã. Thường trực trong con người của người ông luôn có một niềm tin, “niềm tin hoa hồng”.

Đặng Tuấn Linh