Chương trình “Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ” do Tổ chức ACDI/VOCA tài trợ được UBND tỉnh tiếp nhận triển khai tại các huyện Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát tiên trong thời gian 2 năm (2009-2010) bước đầu đã khẳng định được hiệu quả cả về kinh tế và khả năng nhân rộng.
|
Ảnh minh họa. |
Chương trình “Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ” do Tổ chức ACDI/VOCA tài trợ được UBND tỉnh tiếp nhận triển khai tại các huyện Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát tiên trong thời gian 2 năm (2009-2010) bước đầu đã khẳng định được hiệu quả cả về kinh tế và khả năng nhân rộng. Nhờ có hiệu quả cao, ACDI/VOCA đã quyết định tiếp tục đầu tư thêm cho chương trình này một năm nữa.
Ông Lại Thế Hưng - Trưởng Ban Quản lý dự án ca cao Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) cho hay, cây ca cao đã có mặt ở Lâm Đồng trước đây vài năm với các mô hình thí điểm của Trung tâm Khuyến nông và các trung tâm nông nghiệp cấp huyện nhưng chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của nông dân.
Vì vậy, cuối năm 2008, toàn tỉnh chỉ mới có 119 ha ca cao được trồng rải rác ở các địa phương, thế nhưng chỉ mới gần 2 năm triển khai Chương trình “Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ” diện tích ca cao của tỉnh đã lên tới 1.209,5 ha – gấp hơn 10 lần so với năm 2008 (gồm 427 ha do dự án trực tiếp đầu tư, còn lại do nhân dân tự trồng với hỗ trợ kỹ thuật của dự án), và dự án đã “cơ bản hoàn thành mục tiêu đã ký kết trong văn kiện với nhà tài trợ, đồng thời góp phần phát triển diện tích và nâng cao trình độ canh tác ca cao trong vùng quy hoạch phát triển ca cao bền vững của tỉnh”.
Để có kết quả này, 2 năm qua Ban Quản lý dự án cao cao Lâm Đồng ngoài việc cung ứng trên 130 ngàn cây ca cao giống, gần 200 tấn phân vi sinh… cho nông dân, đã cùng với chính quyền và Hội Nông dân các huyện Cát Tiên , Đạ Tẻh và Đạ Huoai tổ chức được 42 câu lạc bộ ca cao tại 16 xã có điều kiện phát triển cây ca cao tại địa bàn. Ở thời điểm hiện tại, các câu lạc bộ này đã có trên 1.600 hộ thành viên, trong đó có 660 hộ thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số và đã trở thành cầu nối giữa Ban Quản lý dự án với nông dân trong việc tổ chức chuyển giao cây giống, vật tư và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ ca cao.
Từ đó, đã có 1 mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, 13 mô hình trình diễn trồng ca cao dưới tán vườn điều, 1 mô hình phòng trừ tổng hợp sùng trắng trên ca cao và 5 điểm lên men hạt ca cao được hình thành và thu hút được quan tâm của chính quyền và nhân dân sở tại. Được ACDI/VOCA kéo dài thời gian thực hiện thêm một năm, năm 2011 tới Ban Quản lý dự án ca cao Lâm Đồng đã có kế hoạch xây dựng quy trình sản xuất cây ca cao giống và các vườn ươm cây ca cao giống đầu dòng (quy mô sản xuất từ 100 ngàn tới 200 ngàn cây/năm), quy trình lên mem hạt ca cao phù hợp với điều kiện địa phương, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức mạng lưới thu mua trái ca cao tươi và hạt ca cao lên men cho nông dân.
Ông Đinh Hải Lâm - Giám đốc Dự án Succes Allance tại Việt Nam, Trưởng đại diện ACDI/VOCA Việt Nam sau khi kiểm tra thực tế Chương trình Phát triển ca cao bền vững tại vùng quy hoạch trồng ca cao cũng như tìm hiểu điều kiện đất đai, khí hậu…của Lâm Đồng để phát triển loại cây có giá trị kinh tế cao này đã cho rằng mục tiêu phải có 5.000 ha ca cao vào năm 2020 mà UBND tỉnh Lâm Đồng xác định hoàn toàn có tính khả thi khi cây ca cao bước đầu đã có chỗ đứng trong cơ cấu cây trồng và ngành NN-PTNT tỉnh cũng như các địa phương đang từng bước hướng dẫn nông dân tuân thủ đúng quy trình canh tác ca cao theo hướng thâm canh năng suất cao, thực hành nông nghiệp tốt để hạn chế dịch hại, tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, phù hợp với xu hướng tuổi lao động trong nông thôn ngày càng cao và khan hiếm, bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện tại cả nước có khoảng 12.200 ha ca cao đang được canh tác ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Bến Tre.., niêân vụ 2008-2009 đã xuất khẩu được trên 1.000 tấn hạt khô lên men và “Việt Nam đang bắt đầu đạt được những yếu tố cơ bản để xây dựng ngành công nghiệp ca cao bền vững có sức cạnh tranh và chất lượng cao”, đây là tiền đề rất quan trọng để Lâm Đồng tiếp tục Chương trình “Phát triển ca cao bền vững tại nông hộ”.
Đức Hưng