Trong những lần làm việc với các sở, ngành, địa phương hay thực tế tại các xã nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Đức Hòa cho rằng: “thực hiện chính sách an sinh xã hội mà nhiệm vụ trọng tâm đó là xóa đói giảm nghèo...
Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác giảm nghèo ở Đồng Nai thượng (Cát Tiên). |
Nhìn lại biểu đồ giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hàng năm giảm từ 2,26% đến 5,4% trong vòng 5 năm qua. Và thực hiện trong năm 2010 này sẽ đạt tỷ lệ giảm hộ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 5%, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 15%. Kết quả giảm nghèo mang tính đột phá này là thành quả của nhiều cơ chế, chính sách; các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương được triển khai một cách đồng bộ. Theo sở Lao động Thương binh và Xã hội, hàng năm nguồn vốn huy động cho chương trình mục tiêu giảm nghèo lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể như vốn đầu tư từ ngân sách 20 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (gồm cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay xuất khẩu lao động) là 100 tỷ đồng, nguồn vốn huy động khoảng 4 tỷ đồng và vốn lồng ghép các Chương trình 30 tỷ đồng/năm... Đó là chưa kể chương trình 30a, sau gần hai năm triển khai đến nay đã đầu tư gần 175 tỷ đồng vào các thôn, xã và huyện nghèo Đam Rông. Nếu tổng gộp vốn đầu tư cho Chương trình giảm nghèo, giai đoạn 2006 - 2010 thì số tiền đầu tư cho các hộ nghèo lên tới gần ngàn tỷ đồng, đấy là chưa kể vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông nông thôn, điện, trường, trạm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng theo sở Lao đồng TB và XH, chỉ tính riêng việc cấp phát thẻ khám chữa bệnh có mệnh giá từ 60 ngàn đồng đến 130 ngàn đồng thực hiện hơn 1,13 triệu thẻ với tổng kinh phí 102 tỷ đồng cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2010 này đã cấp 230.238 thẻ bảo hiểm y tế, mệnh giá 351 ngàn đồng/thẻ/năm với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Chính sách nhà ở cho người nghèo đã xây dựng được 1.479 căn nhà Đại đoàn kết, tỉnh huy động được 53 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư xóa nhà dột nát cho gần 3.000 hộ, thực hiện 10.610 căn theo Chương trình 134 và đến nay hỗ trợ chính sách xây dựng 5.203 căm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, giá trị mỗi căn giao động tư 23 - 25 triệu đồng. Bên cạnh đó đã triển khai hàng loạt chính sách đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ xây dựng các công trình thủy lợi, khuyến nông, khuyến lâm; dạy nghề… đến giải quyết đất sản xuất cho người thiếu đất. Điển hình đã xây dựng và đưa vào sử dụng 233 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 98,3 tỷ đồng, ổn định phát triển sản xuất cho 17.467 hộ, hỗ trợ giống và vật tư sản xuất cho 13 ngàn hộ, hỗ trợ máy móc công cụ sản xuất cho 1.909 hộ với số tiền gần 50 tỷ đồng. Hơn 1.130 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất được gải quyết đất với tổng diện tích 998 ha….Với những số liệu nêu trên đã thể hiện rõ những “gam” màu sáng trong bức tranh xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong hành trình suốt 5 năm qua.
Giảm nghèo chưa thực sự bền vững Đó là nhận định được nêu trong báo cáo thẩm tra về công tác giảm nghèo của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh mới đây. Theo báo cáo thẩm tra, các chính sách và chương trình giảm nghèo được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện nên từ đầu năm đến nay đã giảm được 3.000 hộ nghèo, trong đó giảm hơn 2.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số so với đầu năm 2010. Hàng năm tổng huy động nguồn vốn cho chương trình mục tiêu giảm nghèo đạt trên 154 tỷ đồng, nhất là 9 chương trình tín dụng, chính sách cho hộ nghèo được triển khai tốt. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng hộ nghèo đạt gần 1.365 tỷ đồng với 97.217 khách hàng vay, tăng 923 tỷ đồng và bằng 209% so với năm 2006. Đến hết năm 2010, cơ bản hoàn thành nhà ở cho hộ nghèo với số lượng 7.318 căn, sớm hơn Đề án của Chính phủ đề ra đến hết năm 2012. Song Ban Văn hóa - Xã Hội, HĐND tỉnh cũng nêu ra một số điểm cần quan tâm trong công tác giảm nghèo đó là, tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực còn chênh lệnh, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn cao; đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc vẫn còn khó khăn. Chuẩn nghèo giai đoạn 2006 – 2010 ban hành chưa phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội, do đó kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. |