Về huyện Lâm Hà - địa chỉ có truyền thống trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Đồng, chúng tôi được nghe những câu chuyện về giá kén tăng cao đi kèm với chuyện khan hiếm con giống, con giống rởm khiến không ít nông dân lao đao.
Chị Doãn Thị Nga (xã Tân Văn, Lâm Hà) bên nong tằm bị bệnh. |
Không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, ông Phạm Thanh Sơn- tổ 1- khu phố Bằng Lăng- thị trấn Nam Ban- Lâm Hà đã có kinh nghiệm 20 năm làm nghề thu mua kén tằm và có hẳn một cơ sở kéo kén quy mô cho biết tình hình kén tằm thời gian gần đây rất bi đát. Các chủ cơ sở cung cấp giống tằm đều lấy trứng giống thông qua mạng lưới phân phối được thiết lập từ nhiều năm nay, đầu mối nhập từ Trung Quốc. Cơ sở ông Thanh Sơn hợp tác với khoảng 100 hộ trồng dâu nuôi tằm và chưa thể có phương pháp gì kiểm tra chất lượng trứng giống khi nhập, bởi thế, trứng giống tốt hay không giờ là chuyện may rủi. Khi được hỏi tại sao tại Lâm Đồng có có trung tâm cung cấp trứng giống tằm nhưng nông dân và cơ sở cung cấp không mua, ông Sơn cho rằng qua kinh nghiệm gắn bó với nghề này cho thấy trứng giống địa phương cho kén quấn tơ ngắn, không đem lại hiệu quả sản xuất, nếu mỗi tạ kén giống nhập bình thường cho khoảng 70 kg sợi thì giống địa phương chỉ cho khoảng 50 kg nên nông dân lâu nay vẫn chuộng và có thói quen dùng trứng giống nhập.
Kỳ 2: Thị trường kén tằm và vấn đề “người Việt dùng hàng Việt”
Khi tình trạng tằm hỏng, kén giảm chất lượng diễn ra khá nhiều, có một câu hỏi được đặt ra là tại sao nông dân và cơ sở thu mua, cung cấp giống tằm vẫn lệ thuộc vào sự may rủi của nguồn hàng xuất xứ từ nước ngoài mà không tìm địa chỉ uy tín để nhập hàng và có cam kết, ràng buộc khi xảy ra sự cố? Trong khi đó, ngay tại Lâm Đồng vẫn có những địa chỉ sản xuất trứng tằm nhưng nông dân chưa mặn mà?
Đến bao giờ hàng Việt mới chiếm lĩnh sân nhà. |
Từ khi giá kén tăng, nhu cầu trứng tằm tăng, nguồn hàng kém chất lượng tràn lan, khiến nông dân lẫn các cơ sở thu mua, cung cấp giống tằm lao đao. Ông Sơn- chủ cơ sở kén tằm ở Nam Ban- Lâm Hà cho biết sau khi trứng hỏng quá nhiều, ông có phản hồi qua đầu mối giao hàng thì được bù lại một số hộp khác nhưng chỉ là tượng trưng, dù vậy, ông buộc vẫn phải nhập tiếp vì thiếu nguồn trứng cung cấp cho hệ thống 100 hộ nông dân liên kết sản xuất với cơ sở của ông.
Quay trở lại với câu hỏi liệu Lâm Đồng có thể sản xuất trứng giống tằm để đáp ứng được nhu cầu rất rộng lớn của dân địa phương hay không? Ông Lê Quang Tú cho biết hiện tại quỹ gien giống tằm của trung tâm là 47 giống với 14 giống lưỡng hệ và 33 giống đa hệ. Để làm phong phú nguồn gien và tạo gien có chất lượng hơn, vào năm 2009, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu thành công giống LĐ09. Nhân viên Hoàng Thị Loan thực hiện lai tạo thành công giống này và kết quả cho thấy kén tạo ra có chiều dài tơ đơn tương đương với loại hàng nhập lâu nay bà con vẫn tin dùng. Đồng thời, giá thành một hộp trứng giống do trung tâm nghiên cứu chỉ khoảng 80.000 đồng/ hộp so với một hộp trứng nhập có giá 250.000 đồng. Sau thành công đó, trung tâm đã có mối liên kết với 2 cơ sở của ông Đông ở Bảo Lộc và bà Thạch Thị Loan ở Di Linh. Nhà bà Thạch Thị Loan đã có 18 năm nuôi tằm, cung cấp giống tằm lẫn thu mua kén và đây là lần đầu tiên bà “ đánh bạo” mua giống địa phương sau khi nghe thông tin về giống LĐ 09. Lúc đầu bà chỉ dám lấy thử vài hộp, đến nay mỗi tháng bà mua100 hộp trứng giống cùng với 100 hộp khác nhập từ nước ngoài, bà cho biết vẫn sử dụng cách dùng hai dạng hàng như vậy vì thứ nhất đó là phương pháp để đảm bảo an toàn trong kinh doanh, thứ hai là trứng của công ty vẫn còn sản xuất cầm chừng nên chưa cung cấp đủ nhu cầu của người mua như bà. Bà đánh giá nếu vào mùa nắng, chất lượng trứng giống nội tương đương trứng ngoại, về mùa mưa thì trứng nội sụt giảm năng suất hơn một ít nhưng nhìn chung là trứng đã đạt đến chất lượng khiến người nuôi tằm hài lòng.
Theo đề án quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ phát triển lên đến 9.000 ha dâu trên toàn tỉnh, kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng và xây dựng 80 mô hình nuôi tằm tập trung. Hiện tại, diện tích trồng dâu trong toàn tỉnh là khoảng 4.000 ha. Thị trường kén tằm hiện rất rộng mở bởi các nước khác ở Châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản chỉ tập trung trồng dâu nuôi tằm chủ yếu để nghiên cứu sản xuất dược liệu. Chính vì thế, quản lý trứng giống nhập là vấn đề cần quan tâm hiện nay và bài toán về “ người Việt dùng hàng Việt” trong lĩnh vực dâu tằm tơ đang được đặt ra bởi chúng ta có rất nhiều lợi thế so sánh để khẳng định và chiếm lĩnh thị trường sân nhà. Ông Lê Quang Tú cho biết hiện trung tâm đang nghiên cứu để từng bước thiết lập thị trường, xây dựng và khẳng định uy tín từ giống LĐ 09 từ đó hình thành mối liên kết với các cơ sở kén tằm và nông dân. Qua hiện tượng kén tằm giá cao và những nghịch lý đi cùng, vấn đề về nghiên cứu thị trường và quảng bá hàng hóa nội địa một lần nữa được đặt ra Để lấy lòng tin của người sản xuất thì ngoài chất lượng sản phẩm vẫn cần rất nhiều cách tiếp cận phù hợp với những mắt xích trong hệ thống thu mua để lấy lại thị trường đầy tiềm năng bấy lâu bị bỏ ngỏ.
Trả lời cho câu hỏi làm sao để quản lý chất lượng trứng tằm nhập nhằm giảm bớt độ rủi ro trong sản xuất, Tiến sỹ Phạm S- Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Lâm Đồng cho rằng cần thiết phải kiểm tra việc đăng ký kinh doanh của các đầu mối cung cấp giống, có quy chế để các đầu mối này nhập hàng có nguồn gốc rõ ràng và có cơ quan giám sát tại địa phương để đảm bảo chất lượng mặt hàng trứng giống tằm, ổn định dần chất lượng sản phẩm này.