Ngành thương mại làm gì để rũ bỏ “tấm áo cũ” ?

03:10, 12/10/2010

Là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng lợi thế để sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hóa đặc trưng để thúc đẩy ngành thương mại phát triển.

Là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng lợi thế để sản xuất ra các loại sản phẩm hàng hóa đặc trưng để thúc đẩy ngành thương mại phát triển. Tuy vậy hiện nay hoạt động thương mại ở Lâm Đồng vẫn còn biệt lập, chưa thể hiện được vai trò mở đường, hướng dẫn thúc đẩy sản xuất.

Cả tầng trệt của Siêu thị Phan Chu Trinh chỉ duy nhất gian hàng đông y này còn bám trụ lại.
Cả tầng trệt của Siêu thị Phan Chu Trinh chỉ duy nhất gian hàng đông y này còn bám trụ lại.
Một số người quan tâm tới lĩnh vực thương mại của tỉnh cho rằng, để ngành thương mại phát triển bền vững, thực sự là cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng thì thương mại phải đi trước một bước. Bởi lẽ thương mại phát triển sẽ mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cho các tầng lớn nhân dân.

Vượt qua những khó khăn ban đầu của một tỉnh miền núi có xuất phát điểm thấp lại xa trung tâm thương mại, bến cảng, giao thông cách trở, ngành thương mại Lâm Đồng bước đầu đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua bán của nhân. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và và doanh thu dịch vụ năm 2010 ước đạt 21 ngàn tỷ đồng, tăng 27,2%; Tổng kim ngạch xuất khẩu năm ước đạt 335 triệu USD, tăng 21%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 18 triệu USD, tăng 38,46% so với năm 2009…

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song hoạt động thương mại của địa phương thời gian qua vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có, phát triển chưa thực sự bền vững, chưa thực sự trở thành cầu nối có hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng, chưa trở thành động lực liên kết giữa các ngành nghề, và khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thương mại còn yếu (nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa) các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực quản trị kinh doanh chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thị trường trong khi chúng ta đã hội nhập sâu vào “sân chơi” thương mại quốc tế.

Để ngành thương mại thực sự là cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, thời gian qua tỉnh cũng đã tập trung kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng thương mại. Trong đó phải kể đến việc đầu tư nâng cấp, cải tạo xây dựng mới hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan, thì việc đầu tư hạ tầng thương mại còn nhieu bất cập. Một số chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư bài bản khang trang nhưng lại không thu hút được tiểu thương vào hoạt động buôn bán.

Trong đó phải kể đến Siêu thị Phan Chu Trinh (Đạ Lạt) đang làm đau đầu các nhà quản lý thương mại cũng như chủ đầu tư dự án. Dạo một vòng quanh Siêu thị Phan Chu Trinh chúng tôi nhận thấy, tình trạng quầy sạp, hàng hóa thưa thớt, nhiều tiểu thương đã treo biển sang lại quầy sạp, người tiêu dùng không mặn mà với trung tâm siêu thị được coi là hiện đại nhất, nhì ở Lâm Đồng hiện nay. Một số người tiêu dùng nói rằng, đến Siêu thị Phan Chu Trinh, lực lượng bảo vệ còn đông hơn tiểu thương và người tiêu dùng đến mua sắm. Quả thật như vậy, khi đến siêu thị này chúng tôi nhận thấy vắng vẻ đến lạ thường. Cầu thang máy dùng để đưa người tiêu dùng lên lầu trên mua sắm cũng đã ngưng hoạt động, nhiều gian hàng cũng đã đồng loạt… tủ mền lại vì sợ bụi. Theo một lãnh đạo Sở Công thương, nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư Siêu thị Phan Chu Trinh không hiệu quả là do các sản phẩm được bầy bán trong siêu thị không có gì độc đáo, chẳng khác hàng hóa được bầy bán ở bên ngoài, trong khi đó giá cả lại cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà người tiêu dùng không “mặn mà’ vào đây siêu thị mua sắm, đồng nghĩa với việc tiểu chán nản bỏ quầy sạp tìm hướng kinh doanh khác.

Tình trạng chợ chiều ở một số chợ, trung tâm thương mại, siêu thị không đạt hiểu quả như mong muốn được nhìn nhận là do kinh phí xây dựng cao dẫn đến giá thuê gian hàng, kiốt đắt; vị trí đặt chợ không hợp lý với tập quán mua bán tiêu dùng của người dân; công tác quản lý Nhà nước còn yếu kém để chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát hoạt động lung tung ở khắp mọi nơi gây lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp cũng như không đảm  bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, đòi hỏi ngành thương mại - dịch vụ phải có những đổi mới tích cực nhanh chóng khắc phục những hạn chế từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thúc đẩy nề kinh tế-xã hội phát triển. Trên cơ sở đó, cần xác định phát triển ngành thương mại, dịch vụ theo hướng mũi nhọn với đa dạng các ngành nghề dịch vụ, loại hình kinh doanh, tạo sự thông thoáng trên thị trường; chú trọng phát triển mạng lưới thương mại ở trung tâm cụm xã và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ hàng hóa hai chiều, nhằm tạo động lực cho sản xuất phát triển.

Bên cạnh việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị cần mở rộng hệ thống chợ, đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút đầu tư nhằm mở rộng mạng lưới phân phối theo hướng văn minh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân hoạt động thương mại chủ động hội nhập vào xu thế phát triển chung của cả nước và khu vực…

Hồng Hải