Nhà khoa học của nông dân

10:10, 03/10/2010

Anh là Lê Quang Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng, người vừa được bình chọn là “nhà nghiên cứu khoa học tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV...

dd
“Nhà khoa học của nông dân” Lê Quang Tú.
Quen làm hơn quen nói, do đó khi gọi điện thoại hẹn phỏng vấn, anh cứ từ chối mãi. Khi gặp rồi, anh cũng lại nói rất ít về bản thân mình, chỉ say sưa nói về công việc và những trăn trở về cách làm nông nghiệp của người nông dân hiện tại. Chính vì vậy, nhiều người cứ bảo anh là “nhà khoa học của nông dân”. Anh là Lê Quang Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng, người vừa được bình chọn là “nhà nghiên cứu khoa học tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV...

Câu chuyện về “Nhà khoa học” Lê Quang Tú bắt đầu từ ước mơ trở thành ông chủ nhiệm HTX của một cậu học trò nghèo đã từng phải bỏ học vì gia cảnh khó khăn. Vùng quê Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, nơi anh sinh ra và lớn lên cũng nghèo, mà theo lời anh kể thì đó là xã và huyện nghèo nhất tỉnh Hà Tây (cũ).

Mang khát vọng thoát nghèo bằng con chữ, nuôi ý chí vượt khó của mình, anh thi vào Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội. Năm 1982, anh là một trong số ít sinh viên tốt nghiệp hạng ưu, được điều thẳng vào Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Bảo Lộc, làm một anh cán bộ chuyên nghiên cứu cây dâu, rồi lên làm Trưởng bộ môn nghiên cứu cây dâu. 10 năm sau đó, anh học lấy bằng thạc sĩ nông nghiệp ở Hàn Quốc, có cơ hội tham quan tu nghiệp ở Ý, Trung Quốc, Thái Lan và bổ sung cho bản thân khá nhiều kiến thức cơ bản và nâng cao về nông nghiệp tiên tiến.

Đến năm 1997, khi Trung tâm chuyển thành Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thì anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Viện và kiêm nhiệm, Giám đốc Trung tâm từ năm 2003 đến nay.

Khoảng 5 năm trở lại đây, anh dành thời gian tham gia nghiên cứu rất nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, cấp tỉnh và cũng đã chủ trì thành công nhiều đề tài nghiên cứu mang dấu ấn cá nhân được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh nghiệm thu đạt mức khá và xuất sắc.

Có thể kể tên như Đề tài “Nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng tơ kén ở Lâm Đồng”, Đề tài “Nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng cà phê vối ở Lâm Đồng” và Đề tài “Nghiên cứu các mô hình dâu tằm tại ĐamRông”.

Dù gần đây Trung tâm đã mở rộng phạm vi nghiên cứu sang nhiều giống cây trồng khác như bơ, cà phê, nhưng trong số rất nhiều đề tài nghiên cứu của mình, anh vẫn tâm đắc nhất chùm đề tài về cây dâu con tằm.

Thời gian gần đây, người dân tại các cùng trồng dâu nuôi tằm của Lâm Đồng như Lâm Hà, Bảo Lộc, Đạ Tẻh... biết nhiều đến giống dâu tằm VA 201 cho năng suất cao và áp dụng thành công mô hình nuôi tằm con tập trung. Đây là 2 trong những đề tài nghiên cứu của nhà khoa học Lê Quang Tú về ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp cho Lâm Đồng.

Giải pháp nuôi tằm con tập trung mà anh là người cùng tham gia nghiên cứu đề tài và trực tiếp chuyển giao là một bước tiến trong công nghệ nuôi tằm con, được Bộ NN - PTNT công nhận rằng đó là một giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng kén tằm.

Tiếp nối thành công này, mới đây anh lại nghiên cứu thành công và công bố 2 giống dâu mới cho năng suất cao hơn các giống cũ và khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh cũng tốt hơn, đó là 2 giống S7 - CB và VA-201. Các giống này tỏ rõ ưu thế khi được trồng ở những vùng sinh thái khác nhau.

Qua theo dõi cho thấy nếu được trồng ở những vùng khí hậu khô hạn nhiều như Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Đắk Nông thì năng suất lá dâu giống S7 - CB đạt cao nhất, ở cả 3 vùng đều đạt trên 15,6 tấn/ha, giống VA - 201 đạt gần 14 tấn/ha, năng suất vượt so với giống Bầu đen cũ khoảng 34 – 35%, chất lượng lá dâu ngang bằng các giống dâu cũ nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng chịu hạn, chịu đốn hái và chịu thâm canh thì tỏ rõ ưu thế hơn hẳn. Giống VA – 201 đã được Bộ NN&PTNT công nhận vào tháng 11/2009, hiện bước đầu đã được đưa vào canh tác đại trà ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Trong vai trò là Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ trung tâm, anh Tú không lúc nào ngừng tư duy để tìm cách chăm lo và nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho cán bộ viên chức. Bí thư Lê Quang Tú còn là hạt nhân đoàn kết nội bộ, lãnh đạo Chi bộ cơ quan 5 năm liền đạt TSVM, bản thân anh luôn đạt đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền được bầu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Là một trong những đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu khoa học của tỉnh, Trung tâm đã từng nhận giải thưởng Kovalevskaia của Hội phụ nữ VN, Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều bằng khen của Tổng LĐLĐ và của UBND tỉnh. 51 tuổi, với gần 30 năm cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học, anh Lê Quang Tú đã giúp nông dân ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến nhưng bản thân anh lại khiêm tốn cho rằng đó chỉ là hạt cát và anh cứ trăn trở muốn có thêm kinh phí, thêm điều kiện để chuyển giao nhiều hơn nữa những tiến bộ của KHKT cho nông dân: “Trăn trở nhất đến lúc này là mặc dù là chúng ta đã chọn tạo ra một số giống cây trồng vật nuôi nhất định, nhưng việc ứng dụng các giống này ra ngoài sản xuất thì còn hạn chế.

Bộ NN - PTNT đang triển khai Chương trình nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chúng tôi sẽ cố gắng cùng với địa phương và bà con nông dân áp dụng ngay một số tiến bộ vào trong sản xuất. Các nghiên cứu của Trung tâm không hề mang tính hàn lâm, rất gần gũi với bà con nông dân, và rất thực tế, nhưng do lý do khách quan nên chưa được áp dụng rộng rãi. Muốn tạo được sự  thay đổi này thì phải được đưa vào chương trình của NN thì mới chuyển giao nhanh được” - Anh Tú chia sẻ.

HỮU SANG