Phát triển cà phê bền vững cùng “ cà phê 4C”

11:10, 07/10/2010

rong định hướng phát triển cây cà phê bền vững của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn là 2015-2020 có nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó có việc áp dụng “cà phê 4C”.

Cà Phê 4C. Ảnh: Tư liệu
Cà Phê 4C. Ảnh: Tư liệu
Lâm Đồng được xem là  địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây cà phê. Trong định hướng phát triển cây cà phê bền vững của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn là 2015-2020 có nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó có việc áp dụng “cà phê 4C”.
 
NHỮNG KHÓ KHĂN GẶP PHẢI TỪ THỰC TẾ:

Theo con số thống kê, đến năm 2009, Lâm Đồng có 141.100 ha cà phê, diện tích thu hoạch là 134.020 ha, năng suất đạt 22,5 tạ/ha, sản lượng trên 304.715 tấn. Trong đó, cà phê vối vẫn chiếm tới 88,66%, cà phê chè chỉ chiếm 8,76 %, cà phê mít là 2,58%. Một số dịch hại trong thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê như: ấu trùng ve sầu có xu hướng gia tăng về diện tích nhiễm với mật độ cao ở những vùng cà phê trọng điểm với trên 30.246 ha bị nhiễm( trong đó có 5.192 ha nhiễm với mật độ cao). Trong năm 2008, có 28.115 ha cà phê bị nhiễm vàng lá, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng. Bên cạnh yếu tố tự nhiên, tập quán canh tác của bà con vẫn còn hạn chế như : việc đầu tư phân bón giảm do tăng giá và phân bón kém chất lượng, bà con chưa chú ý khâu tỉa cành, tạo tán cũng như trồng cây che bóng, chắn gió hay tạo bồn tưới nước trên diện tích đất dốc…Sau khi cà phê cho thu hoạch, nông dân vẫn còn hái xanh, hái non, hái trắng toàn bộ khi trên vườn cây đã có quả chín từ 25% đến 50%. Đồng thời, khâu bảo quản sau thu hoạch còn rất nhiều bất cập như kho bãi chật chội, cà phê được phơi khô nhưng trong quá trình cất giữ dễ bị ẩm mốc, biến đổi chất lượng làm cho chất lượng cà phê khô nguyên liệu không cao. Nông dân chưa có thói quen thuê chế biến ướt hoặc bán tươi cho các công ty để có điều kiện chế biến đúng cách nhằm tăng chất lượng cà phê.  Hiện hệ thống thủy lợi phục vụ thâm canh cũng mới chỉ đáp ứng được trên 40% diện tích.

Sau quá trình sản xuất, việc tiêu thụ là khâu rất quan trọng để hàng hóa đến với thị trường. Hiện trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở thu mua kết hợp chế biến cà phê, năng lực thu mua, chế biến cà phê nhân xuất khẩu của các cơ sở đạt khoảng 180.000 tấn/ năm, năng lực chế biến của các cơ sở chế biến thành phẩm đạt khoảng 1.300 tấn cà phê bột/năm. Trên thực tế,  khâu thu mua từ cơ sở, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đến nông dân phải qua nhiều khâu trung gian. Chính con đường đi phải qua nhiều chặng này không những ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế mà đã làm hạn chế việc sản xuất cà phê đạt chất lượng.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ BỀN VỮNG CÙNG CÀ PHÊ 4C:

Với mục tiêu hướng đến nền cà phê phát triển bền vững, có nhiều nội dung về sản xuất nông nghiệp, thu hoạch- chế biến- bảo quản, thị trường- tiêu thụ…được đề cập đến, trong đó có nội dung  xây dựng các vùng sản xuất và phê vối chất lượng cao, bền vững, cà phê có chứng nhận như 4C, Utz, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê Lâm Đồng chất lượng cao. Nội dung xây dựng cà phê 4C đã được tiến hành với những hy vọng mới cho vùng cà phê Lâm Đồng.

Hiệp hội cà phê 4C ra đời năm 2007, đến nay có 135 thành viên, sau khi tham gia vào Hiệp hội cà phê 4C toàn cầu, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 về sản xuất cà phê 4C sau Brasil và Colombia. Tham gia vào hiệp hội, các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh và chế biến, các tổ chức dân sự cùng làm việc trên những bộ quy tắc ứng xử và có cơ chế hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê, có hệ thống kiểm tra xác nhận, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê.
 
Tại Lâm Đồng, công ty Nestle đã thực hiện hoạt động của dự án 4C tại xã Đạm Bri- Bảo Lộc, xã Tân Nghĩa- Di Linh, hợp tác xã Đông Di Linh- Di Linh kể từ mùa vụ 2007-2008. Tham gia vào dự án này, nông dân cùng tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, hướng dẫn cách quản lý sản xuất, biết kỹ thuật kiểm tra chất lượng cà phê, bán cà phê dựa trên chất lượng, tiếp cận thông tin về thị trường. Các công ty thu mua cà phê tại Lâm Đồng có thể thu mua cà phê 4C từ nông dân với sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc, từ đó, công ty Nestle có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định và chất lượng.
 
Thời gian qua, công ty Nestle đã lấy 6 mẫu đất tại 2 xã Tân Nghĩa và Đam Bri, từ đó xây dựng cơ cấu phân bón cân đối và hợp lý cho cây trồng. Đã có trên 500 nông dân tham gia 4C cùng Nestle với năng suất trung bình đạt 2,39 tấn/ ha,dự án 4C đã thiết lập cầu nối giữa 4 nhà  là nhà khoa học- doanh nghiệp- nhà nước- nông dân. Sắp tới, Nestle sẽ cùng đồng hành với nông dân, thiết lập nên chuỗi cung ứng cà phê trên địa bàn Lâm Đồng. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn- Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam thì tham gia vào Hiệp hội 4C, những gì mà nông dân được thu được là rất lớn thông qua việc đào tạo, tập huấn và các công việc thực tế để có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật và hình thành thói quen sản xuất để đóng góp cho  nền cà phê bền vững.
Hải Yến