Mới chỉ là điều ước mơ!

03:10, 27/10/2010

Để tạo bước đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong mấy năm gần đây, huyện Di Linh ráo riết kêu gọi và thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch.

Để tạo bước đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong mấy năm gần đây, huyện Di Linh ráo riết kêu gọi và thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch. Riêng về du lịch, Di Linh cũng có khá những tiềm năng nhất định. Nhưng để phát triển nó một cách mạnh mẽ thì chỉ mới là điều mơ ước!
 
Khu du lịch thác Bobla (Liên Đầm – Di Linh).
Khu du lịch thác Bobla (Liên Đầm – Di Linh).

Thực hiện Nghị quyết 06/NQ - TU ngày 21/09/2006 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010, huyện Di Linh đã có qui hoạch phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch đến năm 2015 và định hướng năm 2020. Theo đó, từ nay đến 2015 và những năm tiếp theo, Di Linh sẽ phát triển các khu, điểm du lịch (chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tham quan) tại các “địa chỉ”: hồ Ka La và núi Brah Yang (xã Bảo Thuận), thác Bobla (xã Liên Đầm), thác Lilieng (xã Gung Ré), hồ Tây Di Linh, hồ thủy điện Đồng Nai 2, hồ thủy điện Đồng Nai 3, hồ Gung Ré, hồ Đạ K’Nớ (Đinh Trang Hòa), thác Tul (xã Gia Bắc), làng văn hóa DTTS gốc Tây nguyên K’Ming (xã Gung Ré), Đình làng Di Linh (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh)… Ngoài ra, trên địa bàn huyện Di Linh còn có nhiều cánh rừng nguyên sinh và những cánh rừng thông trồng, sẽ là những địa chỉ có tiềm năng phát triển du lịch, phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tại Di Linh chỉ mới phát triển được Khu du lịch thác Bobla và thác Lilieng (của Công ty cổ phần Du lịch Đà Lạt). Gọi là khu du lịch, nhưng thực chất khu du lịch này có qui mô còn nhỏ bé, do chưa được đầu tư đúng mức; hàng năm, chỉ mới thu hút được 15 ngàn lượt khách (trong đó 50% là khách địa phương). Còn tại thác Lilieng, hàng năm lượng khách đến còn ít ỏi và chủ yếu là khách địa phương. Theo ông Nguyễn Ngọc Chương - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đà Lạt: Khu du lịch thác Bobla sẽ được đầu tư, mở rộng. Hiện nay, dự án đã được phê duyệt và công ty đang tiếp tục thuê tư vấn triển khai khảo sát, thiết kế xây dựng cầu treo, nhà hàng, khách sạn, đường xuống thác, mở rộng các dịch vụ và công trình thủy điện… Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Tại thác Lilieng, Công ty cổ phần Du lịch Đà Lạt cũng có kế hoạch phát triển, mở rộng.

Ngoài Khu du lịch thác Bobla và thác Lilieng, hiện nay tại huyện Di Linh chưa có thêm một doanh nghiệp nào thực sự đầu tư để phát triển du lịch. Trong số 37 dự án mà huyện đã kêu gọi, thu hút đầu tư từ trước đến nay, có một số doanh nghiệp đến đăng ký xin đầu tư phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tuy vậy, sau khi đến khảo sát xong thì không thấy họ quay trở lại! Chẳng hạn, hồ Ka La và núi Brah Yang (Bảo Thuận) là một quần thể núi, rừng, thác, hồ với quy mô trên 4.000 ha. Công ty cổ phần giấy Tân Mai (Đồng Nai) đã có dự án đầu tư khoảng 480 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, bến bãi, làng biệt thự, nhà hàng, khách sạn, sân golf, khu lễ hội văn hóa truyền thống các DTTS Tây Nguyên (có cả tổ chức leo núi), trang bị ca nô và các dịch vụ khác… để phục vụ du khách. Tuy vậy, dự án này chỉ mới “nằm” trên giấy! Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Tây Di Linh đã có một doanh nghiệp đăng ký và đã được chấp thuận dự án đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, xây dựng biệt thự nhà vườn quanh hồ... nhưng sau khi khảo sát, thiết kế xong, doanh nghiệp này đã xin… rút! Điểm du lịch, dừng chân tại hồ Đạ K’Nớ (xã Đinh Trang Hòa) đã có một doanh nghiệp đang triển khai dự án đầu tư, nhưng tiến độ xây dựng quá chậm chạp. Còn các khu. điểm du lịch khác (theo qui hoạch) cho đến bây giờ vẫn chưa có một “tín hiệu” sáng sủa nào!

Lý giải nguyên nhân vì sao Di Linh phát triển du lịch chậm, bà Đặng Thị Thành - Phó Chủ tịch UBND huyên Di Linh, trao đổi với chúng tôi: Huyện lúc nào cũng quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất để giúp các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, đầu tư cho phát triển du lịch đòi hỏi vốn rất lớn. Có lẽ do các nhà đầu tư còn e ngại, sợ thu hồi vốn chậm.

Bùi Trưởng