Năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009

09:10, 03/10/2010

Hôm qua 2-10, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.

 

Hôm qua 2-10, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch năm năm 2006-2010, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 và cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng. Toàn Ðảng, toàn dân tập trung sức phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Ðại hội toàn quốc lần thứ X của Ðảng và đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, chuẩn bị cho Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng vào đầu năm tới.

Từ tình hình chín tháng đầu năm và xu hướng phát triển trong các tháng cuối năm, Chính phủ ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 như sau:

Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tiêu QH giao 6,5%, ước thực hiện năm 2010 là 6,7%. Trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2010, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (thí dụ: Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP chỉ tiêu giao 41%, ước thực hiện là 41% -tăng 12,9% so năm 2009; tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề chỉ tiêu giao 17%, ước thực hiện là 18,2%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh chỉ tiêu giao 83%, ước thực hiện 83%...).

Chính phủ cho rằng, nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn (GDP quý I tăng 5,83%; quý II tăng 6,4%, quý III tăng 7,18%; chín tháng tăng 6,52%), ước cả năm tăng 6,7%; đang lấy lại đà tăng trưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Sản xuất kinh doanh phát triển mạnh. Ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, bảo đảm phát triển ổn định; an ninh lương thực được giữ vững. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, xấp xỉ thời kỳ phát triển ổn định; ngành xây dựng đạt tốc độ tăng, giá trị tăng thêm hơn 10%, là mức cao nhất trong nhiều năm qua. Các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước.

Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định. Thu ngân sách Nhà nước vượt mức kế hoạch, bảo đảm chủ động các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước; bội chi ngân sách Nhà nước giảm xuống 5,95% (năm 2009 là 6,9%). Ðã huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 41% GDP; trong đó vốn FDI tăng 28% so năm 2009. Các cân đối về tiền tệ, tín dụng vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là đã kiềm chế thành công không để lạm phát cao trở lại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nợ nước ngoài của quốc gia và nợ của Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Xuất khẩu tăng cao gấp hơn ba lần chỉ tiêu kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; góp phần quan trọng vào việc giảm nhập siêu xuống dưới 20% và giảm bớt thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,5%. Công tác chăm sóc sức khỏe và đời sống người dân ngày càng được quan tâm tốt hơn; các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo điều kiện phát triển bền vững của nền kinh tế. Ðạt được những kết quả trên đây là nhờ sự thống nhất trong lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, sự nhạy bén trong nắm bắt tình hình và chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân.

Chính phủ cũng nhận thấy những hạn chế, yếu kém chủ yếu là việc cung ứng điện không bảo đảm do nguồn thủy điện sụt giảm trong những tháng nắng nóng và tiến độ xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện không bảo đảm đã ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp và đời sống nhân dân. Lãi suất tín dụng cao đã gây khó khăn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị yếu kém, không đồng bộ, đang là cản trở lớn cho sự phát triển. Tình trạng sách nhiễu gây phiền hà trong bộ máy hành chính, tham nhũng, lãng phí,... vẫn chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của QH và nhiều ý kiến phát biểu, năm 2010, nền kinh tế nước ta tuy được đánh giá là vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế và trên đường lấy lại đà phục hồi tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2009, nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức rất lớn, đứng trước hai mục tiêu dường như mâu thuẫn phải giải quyết cùng lúc: vừa tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế nguy cơ lạm phát cao, vừa phải tiếp tục phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009. Ủy ban Kinh tế và nhiều ý kiến phát biểu nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù năm 2010 gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã đạt được kết quả khá toàn diện theo Nghị quyết của QH, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của Kế hoạch năm năm 2006-2010, tạo không khí phấn khởi trong năm kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015.

Về mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2011, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, năm 2011 cần tập trung xây dựng nền tảng cho ổn định vĩ mô, tiếp tục duy trì tăng trưởng, đồng thời phải quan tâm giải quyết những vấn đề trung và dài hạn liên quan đến cả mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và thể chế kinh tế. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị mục tiêu tổng quát của năm 2011 như sau:

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường ổn định chính trị xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Theo Nhân dân