Phúc Thịnh thoát nghèo

02:10, 24/10/2010

Từ thôn nghèo không điện, đường, không Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…với tỷ lệ hộ nghèo cao.

Từ thôn nghèo không điện, đường, không Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…với tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng sau 3 năm chung tay hành động, cụm cư thôn Phúc Thịnh (xã Phúc Thọ, Lâm Hà) đã thực hiện cuộc vượt thoát để trở thành thôn đầu tiên trong xã nói không với cái nghèo.

Bí thư Chi bộ thôn Phúc Thịnh, Trương Minh Đường kể: Xã đã xa trung tâm huyện, còn thôn lại xa trung tâm xã. Cái khoảng cách xa xôi đã đành nhưng lại được liệt vào thôn “4 không”: không điện, đường, trường, trạm. Dân số của thôn chỉ có 63 hộ thường trú và 20 hộ tạm trú với 293 nhân khẩu, sản xuất trải rộng trên diện tích 137 ha đất nông nghiệp. Vườn đâu nhà đó nên mỗi gia đình ở cách nhau đến vài trăm mét.
 
Đêm xuống lẻ loi ánh đèn dầu, cái nghèo len lỏi trong đời sống người dân. Muốn vực dậy phong trào xây dựng nông thôn nhưng dẫu có “đốt đuốc” đi tìm cán bộ chăm lo việc thôn cũng không ra. Từ khi Đảng ủy xã quan tâm kiện toàn Chi bộ, xác định để có cán bộ phải có phong trào, qua phong trào tìm người có tâm huyết đưa ra dân họp, tín nhiệm bầu vào phụ trách các đầu mối chính quyền và các đoàn thể, hội trong thôn.
 
Nhờ vậy nên mới tập hợp quần chúng triển khai các chủ trương, chính sách, đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến với dân. Đời sống người dân dựa vào cây cà phê nhưng đa số là cà phê giống cũ kém năng suất. Sau khi phát động phong trào chuyển đổi những vườn cà già cỗi bằng các loại gống mới, giống ghép năng suất cao, kết hợp ứng dụng các kỹ thuật vào chăm sóc. Chỉ qua 3 năm thực hiện chuyển đổi, đầu tư thâm canh cà phê năng suất từ 2,5 tấn được nâng lên 3,5 tấn.
 
Thu nhập bình quân mỗi người dân từ 7 – 8 triệu đồng/năm nay đã đạt 15 triệu đồng/năm. Các tổ chức đoàn thể, hội đều lập Quỹ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế hộ do hội viên đóng gióp quỹ, có mô quỹ lên tới 50 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ tiền, dân trong xóm còn góp công giúp các hộ nghèo đầu tư vào vườn hộ để thoát nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trong thôn từ 16% bây giờ không còn hộ nào thuộc diện nghèo và được công nhận thôn đầu tiên trong xã hoàn thành công cuộc xóa hộ nghèo. “Đời sống người dân đã khá hơn, đồng thời phát huy quyền làm chủ của dân trong thôn nên khi vận động người dân chung tay xây dựng thôn văn hóa hay đóng góp xây dựng các công trình khu dân cư đều được dân hưởng ứng tham gia” – Trưởng thôn Vũ Văn Ba cho hay. Bắt đầu từ việc đóng góp kinh phí kéo nguồn điện về thôn phục vụ bơm tưới, thắp sáng nên đã có 70% số hộ có điện.
 
Qua đó cộng đồng trách nhiệm góp công sức, tiền của mở đường giao thông nông thôn, xây dựng sân bóng, nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng... Danh sách góp tiền, công xây dựng những công trình phúc lợi cộng đồng của thôn mỗi năm lại tăng: xây dựng sân bóng rộng 5.000 m2, trong hai năm 2008 – 2009 huy động được 80 triệu đồng và 130 ngày công thuê xe cơ giới làm đường thôn. Mới tháng 7 vừa qua, khánh thành Nhà văn hóa thôn đưa vào sử dụng với diện tích  rộng 70 m2 được xây dựng kiên cố, trị giá tiền xây lắp 100 triệu đồng cũng do dân đóng góp. Đó là chưa kể người dân luôn đi đầu trong xã tham gia hưởng ứng đóng góp các quỹ vì người nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong xã, hộ có hoàn cảnh khó khăn do gặp rủi ro mỗi khi xã phát động.
 
Mặc dù cán bộ phụ trách các đoàn thể, hội không được hưởng phụ cấp như trước đây nhưng vẫn nhiệt tình gia phong trào. Dân còn tự nguyện góp kinh phí thành lập 2 tổ an ninh tự quản với hình thức “dân cử, dân nuôi” nên trước đây tình trạng trộn cắp xảy ra thường xuyên thì suốt 4 năm nay không có vụ việc nào, kể cả tệ nạn xã hội. Bí thư Trương Minh Đường cho biết thêm, để huy động được sức dân, nói dân nghe thì mỗi cán bộ thôn phải là tấm gương trong công việc, kể cả sinh hoạt hàng ngày. Hàng năm, mỗi đảng viên, cán bộ thôn đều phải viết bảng thu hoạch, đăng ký nội dung học tập làm theo, đưa ra kiểm điểm trước dân, lắng nghe ý kiến đóng góp để tiến bộ. Sự gần dân của cán bộ đã phát huy tình làng nghĩa xóm, mọi người tự giác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết xây dựng thôn xóm nên Phúc Thịnh mới được như ngày hôm nay.   
Xuân Trung