Trang trại Phong Thúy: Điển hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

02:10, 07/10/2010

Do đam mê trồng trọt chăn nuôi và muốn thể hiện sức trẻ, 19 tuổi Nguyễn Hồng Phong rời bỏ Đơn Dương sang vùng đất mới K’ Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng lập nghiệp.

Do đam mê trồng trọt chăn nuôi và muốn thể hiện sức trẻ, 19 tuổi Nguyễn Hồng Phong rời bỏ Đơn Dương sang vùng đất mới K’ Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng lập nghiệp. Lúc bấy giờ, K’ Nai còn là vùng đất hoang sơ với vô vàn khó khăn, ốm đau, bệnh tật, nhiều người không trụ bám nổi, phải trở về quê cũ, hoặc tìm nơi ở mới. Nhưng “chí đã quyết”, Nguyễn Hồng Phong  động viên gia đình “trụ bám đến cùng” và với phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, cộng với sáng tạo trong ứng dụng KHKT vào sản xuất, từ quy mô nhỏ, lẻ, mang tính “tự cung, tự cấp” ban đầu, đến những năm 2000 phát triển thành trang trại có quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín, được đánh giá là điển hình của sản xuất công nghệ cao trên địa bàn Lâm Đồng.
 
ươm cây giống cà chua và các loại cải xanh tại vươm ươm trang trại Phong Thúy.
Ươm cây giống cà chua và các loại cải xanh tại vươm ươm trang trại Phong Thúy.

Năm 1990, anh Phong lập gia đình, tự lập sản xuất trên 4000 m2 đất còn nhiều dấu tích hoang hóa và với nguồn vốn hết sức eo hẹp 700.000 đồng. Trên diện tích nhỏ hẹp đó, vợ chồng anh cần mẫn đào hố trồng cà phê giống mới và xen canh hoa màu, đậu đổ. Trong quá trình xen canh, anh Phong phát hiện vùng đất mới rất thích hợp với các loại rau xanh và chính rau xanh mang lại cho gia đình anh thu nhập cao hơn nhiều so với cà phê. Thế là, anh quyết định dùng toàn bộ tiền tích lũy được mua thêm đất, quy với hoạch thành vườn ươm, vùng chuyên canh rau xanh, rồi tìm hiểu kỹ thuật ươm cây con, thâm canh chiều sâu rau màu và tích cực tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do ngành nông nghiệp địa phương tổ chức.
 
Thấy anh sản xuất rau xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao và cây giống ở vườn ươm của anh chất lượng tốt, bà con nông dân trong thôn, trong xã, rồi trong ngoài huyện đến học hỏi kinh nghiệm, đặt mua cây giống với số lượng ngày càng lớn.Việc làm ăn của gia đình cũng theo đó gặp nhiều thuận lợi, cho phép anh liên tục mở rộng quy mô sản xuất thành trang trại c lên đến 30 ha và trang trại Phong Thúy được khẳng định thương hiệu từ những năm 2005. Trên diện tích trang trại 30 ha, anh Phong quy hoạch thành từng vùng chuyên canh phù hợp với chất đất, vị trí địa lý, cây, con, khả năng tiếp cận thị trường....Chẳng hạn: Tại thôn K’Nai, Phú Hội với 8 ha cà phê(sản lượng hàng năm 30 tấn), 15 ha sản xuất rau, củ, quả thương phẩm(sản lượng 1500 tấn/năm), 4,5 ha cỏ phục vụ chăn nuôi 150 con bò thịt; Tại KP 2, TT Liên Nghĩa và xã NThôn Hạ vườn ươm 3 ha với sản lượng 150-200 triệu cây giống/năm và nhà máy sơ chế, bảo quản hàng cung cấp cho hệ thống nhà hàng, siêu thị, các đầu mối xuất khẩu rau quả.
 
Theo anh Phong, việc hình thành các vùng chuyên canh, chuyên chăn nuôi nói trên có nhiều ưu điểm vừa  thuận lợi trong chăm sóc chiều sâu, ngăn chặn sự lây lan của nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh, vừa  dễ để đưa khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất chăn nuôi. Để có được kỹ thuật sản xuất, thâm canh tiên tiến hiện đại, ngoài sự hỗ trợ của của địa phương, các ngành chức năng… trong việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật để xây dựng mô hình VietGap, tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phân tích màu đất, mùi nước, dư lượng BVTV, dư lượng phân bón trong trong sản phẩm rau, quả... nâng cấp nhà xưởng chế biến, năng lực quản lý, điều hành cơ sở... anh Phong còn mạnh dạn bỏ kinh phí để đi tham quan, học hỏi kỹ thuật sản xuất công nghệ cao ở một số nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại như Uc, Hà Lan, Nhật Bản...
 
Tại các nước này, ngoài việc học hỏi được kinh nghiệm, kiến thức sản xuất công nghệ cao, anh Phong còn rút ra được một bài học quý đó là thị trường nước ngoài của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không thiếu, nhưng cái thiếu của chúng ta chính là chất lượng và mẫu mã, cùng với đó là chưa biết cách tiếp cận những thị trường “khó tính”. Vì vậy, khi trở về anh mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để tổ chức sản xuất công nghệ cao, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại, chuyên dùng phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ. Do vậy, hiện nay hơn 20 loại rau, củ, quả thương phẩm của trang trại Phong Thúy có mặt tại các siêu thị lớn của những thành phố lớn trong nước và các đầu mối xuất khẩu ra nước ngoài.

Với ý chí quyết tâm xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay trang trại Phong Thúy có quy mô sản xuất lớn, mở ra hướng liên kết nhóm “sản xuất công nghệ cao - Hồng Phong” với quy mô 70 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những làm giàu chính đáng cho  chủ trang trại(doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng), mà còn góp phần cải tạo nền sản xuất hiện đại cho địa phương, làm giàu cho xã hội và tham gia nhiều công tác từ thiện, xã hội; giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
 
Hiện tại trang trại Phong Thúy đang sử dụng từ 120-150 lao động (trong đó có khoảng 70 lao động là người DTTS), với mức thu nhập ổn định từ 2 triệu, đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều năm, trang trại Phong Thúy được công nhận điển hình trong sản xuất công nghệ cao, chủ trang trại được vinh danh nông dân SXKD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen về thành tích SXKD giỏi  và hiện đang được TW Hội làm vườn Việt Nam, báo Nông thôn ngày nay, Đài Truyền hình Việt nam mời tham dự bình chọn “Trang trại vàng Việt Nam”.
Hoàng kiến Giang