Rời quê hương Nam Định vào Đà Lạt lập nghiệp năm 1986, ông Phạm Văn Đa (chủ doanh nghiệp Thanh Đa) bắt đầu bằng công việc đi trồng rừng cho Ban quản lý rừng Lâm Viên để kiếm sống, sau đó mạnh dạn nhận giao khoán - QL BV rừng.
Với kinh nghiệm 20 năm sống và làm việc cùng rừng, ngay sau khi được giao đất, ông Đa đã thuê hàng chục lao động thời vụ và 6 lao động thường xuyên có tay nghề để triển khai trồng, QL - BV diện tích rừng được giao. Nhờ có sự đầu tư đúng mức, tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật được ngành lâm nghiệp khuyến cáo, nên đến nay, dự án trồng mới 75 ha rừng đã hoàn thành, với tỷ lệ cây sống đạt 80%; hơn 80 ha rừng nhận khoán còn lại được QL - BV hiệu quả, không để xảy ra các vụ vi phạm luật bảo vệ, phát triển rừng. Hiện, bên cạnh những diện tích thông 3 lá truyền thống, DN Tư nhân Thanh Đa còn trồng một số loại cây rừng có hiệu quả kinh tế cao khác như: Pơ-mu, bách xanh, thông đỏ...
Nông - lâm kết hợp là cách làm thường thấy của các doanh nghiệp nhận rừng hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh để lấy ngắn nuôi dài, vì cái lợi thu được từ rừng không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi phải đầu tư lâu dài. Hiện ngoài trồng rừng, gia đình ông kết hợp chăn nuôi heo, bò và cá hồi, cá tầm công nghệ cao. “Đầu tư vào rừng, tôi không mong lợi nhuận mình được hưởng một sớm một chiều, mà vì mục đích môi trường, sau nữa là cho con cháu. Chắc chắn với công sức mình bỏ ra hôm nay, đời con cháu tôi sẽ có lợi nhuận rất lớn cả về kinh tế lẫn ý nghĩa xã hội từ diện tích rừng này.” – ông Đa tâm sự.
Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, trồng rừng còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước phục vụ đời sống xã hội. Mặc dù trong buổi trò chuyện, ông chủ rừng được đánh giá thực hiện dự án trồng rừng hiệu quả nhất hiện nay ở Đà lạt vẫn vạch ra khá nhiều điểm chưa thật thuận tiện cho nhà đầu tư, nhưng với hướng đầu tư bài bản và căn cơ, cùng với kết quả là diện tích rừng đang ngày càng xanh tốt, có thể khẳng định rằng, Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Đa đã và đang đi đúng hướng, góp sức cùng ngành lâm nghiệp địa phương nâng cao hiệu quả của nghề rừng.