Trồng rừng ở rừng

09:10, 23/10/2010

Trồng rừng ở rừng, vấn đề tưởng như mâu thuẫn và bất hợp lý nhưng lại đang là đề án phát triển kinh tế của những địa phương vùng sâu, vùng xa, trước đây thường được rừng nuôi sống và bao bọc.

(LĐonline)- Trồng rừng ở rừng, vấn đề tưởng như mâu thuẫn và bất hợp lý nhưng lại đang là đề án phát triển kinh tế của những địa phương vùng sâu, vùng xa, trước đây thường được rừng nuôi sống và bao bọc. Những cánh rừng nguyên sinh đang dần “chết mòn” bởi sự can thiệp thô bạo của con người. Việc trồng rừng là một yêu cầu cấp bách để “trả ơn” cho rừng, để tăng độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái và cải thiện chính đời sống khó khăn của người dân sống gần rừng từ bao đời nay. Đam Rông là một trong những địa phương có nhiều chương trình, kế hoạch lớn tập trung cho vấn đề trồng rừng kinh tế nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo.

Vườn ươm giống chuẩn bị cho trồng rừng ở Đam Rông.
Vườn ươm giống chuẩn bị cho trồng rừng ở Đam Rông. Ảnh: Minh họa
Năm 2009, huyện Đam Rông được triển khai Đề án phát triển kinh tế giai đoạn từ 2009 -2020 nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của chính phủ. Trong đó huyện đặc biệt quan tâm đến công tác giao đất rừng nghèo kiệt cho các hộ nghèo thực hiện trồng rừng, chuyển đổi thành rừng sản xuất, tăng thu nhập đồng thời tăng độ che phủ cho rừng tại địa phương. Theo kế hoạch, từ 2009 đến 2015, huyện sẽ giao hơn 8.500 ha đất cho hơn 2.000 hộ nghèo trồng rừng.

Ngay trong đợt đầu tiên triển khai kế hoạch, huyện Đam Rông đã giao 1.000 ha đất rừng cho các hộ nghèo thuộc địa bàn các xã để tiến hành trồng. Giống cây keo tai tượng được chọn làm giống cây chủ đạo bởi đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất này. Trên cơ sở đã có sự rà soát diện tích đất rừng nghèo kiệt ở địa phương, huyện đã chỉ đạo UBND các xã lập danh sách hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn có lao động để đưa vào danh sách đối tượng được hưởng lợi từ dự án trồng rừng theo đề án 30a. Qua đó, mỗi một năm các hộ nhận đất trồng rừng sẽ được hỗ trợ tiền mua giống cây, phân bón và công chăm sóc với mức 5 triệu đồng/ha đất trồng rừng. Các hộ sẽ được hỗ trợ số tiền này trong thời gian 7 năm kể từ khi bắt đầu nhận trồng. Tiếp đó, khi cây trồng đã đủ lớn, các hộ sẽ có quyền khai thác và tiếp tục trồng cây mới để thay thế diện tích cũ đã được khai thác. Đặc biệt, các hộ sẽ được cấp sổ đỏ, quyền sử dụng lâu dài diện tích đất đã cấp để trồng rừng.

Ông Cill Ha N’Rang - một trong những hộ nghèo ở thôn I, xã Đạ Long có được niềm vui từ dự án này, hồ hởi cho biết: “ Gia đình tôi rất nghèo, phải lo chạy ăn từng ngày, hy vọng từ dự án này gia đình tôi sẽ có điều kiện để thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống”.

Những khu rừng đang ngày càng xanh hơn ẩn hiện phía sau mỗi nếp nhà ở Đam Rông. Ảnh: Minh họa
Những khu rừng đang ngày càng xanh hơn ẩn hiện phía sau mỗi nếp nhà ở Đam Rông. Ảnh: Minh họa
Nhiều người sống ở gần rừng, nhưng khi có dự án về lại phải bắt đầu những công đoạn đầu tiên cho việc trồng rừng, một công việc tưởng chừng như đơn giản. Từ UBND các xã đến các đối tượng được thụ hưởng phải bắt tay vào công việc dọn thực bì, chuẩn bị đất để trồng rừng. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của huyện để lấy cây giống, kinh phí để thực hiện công việc. Bên cạnh đó, các xã cũng đã phối hợp với BQL rừng Sê Rê Pốk – đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân trồng rừng để đẩy nhanh tiến độ trồng và đảm bảo diện tích trồng có sự sinh trưởng tốt. Ông Đinh Tấn Trầm - Trạm trưởng Trạm quản lý rừng Đạ Tông (thuộc BQL rừng Sê Rê Pốk), huyện Đam Rông cho biết: “ Từ việc phát giống, phát thuốc đến việc hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo từng thời kỳ chúng tôi đều phải hướng dẫn bà con tận tình theo từng quy chuẩn”. Nhờ được triển khai đồng bộ, đến nay tại Đam Rông đã có hơn 650 ha với trên 455 hộ thực hiện việc trồng rừng theo dự án.

Ngoài những dấu hiệu tích cực trong dự án trồng rừng giúp người dân thoát nghèo nhanh chóng và bền vững thì việc trồng rừng ở Đam Rông vẫn còn gặp phải những vướng mắc. Việc tiến hành dọn thực bì ở một số xã còn chậm nên các hộ thực hiện việc trồng rừng vào đúng giữa thời điểm mùa khô, thiếu và khó khăn trong việc cung cấp nước tưới nên diện tích cây trồng mới rơi vào tình trạng héo, thậm chí một số diện tích đã bị chết. Đây là một bài học kinh nghiệm quý báu cho việc điều chỉnh lại kế hoạch triển khai để tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn, thời gian và cả niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền. Nên tổ chức đo đạc diện tích và giao đất trồng ngay từ đầu năm, tiến hành dọn thực bì ngay khi có thể, đến đầu mùa mưa các hộ sẽ được nhận cây giống và bắt đầu gieo trồng.

Để việc trồng rừng trên địa bàn huyện Đam Rông được triển khai nhanh và đạt được hiệu quả cao nhất. Các cơ quan chức năng của huyện cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thực hiện phân khai nguồn vốn trồng rừng, tập trung hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc tốt để đảm bảo sinh trưởng. Hơn hết, mỗi hộ được nhận trồng rừng cũng cần có sự chủ động trong việc bảo quản, chăm sóc và trách nhiệm đối với “quyền lợi sát sườn” của mình. Hội đủ được những yếu tố đó, việc trồng rừng cho người dân thoát nghèo, tăng độ che phủ cho diện tích đất rừng nghèo kiệt ở Đam Rông mới có thể thu được những kết quả khả quan.
 
Tuấn Linh