Xây dựng nông thôn mới: Vấn đề trình độ và năng lực của cán bộ cấp xã

08:10, 27/10/2010

Tuy không ngừng được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản lý và thực hiện chủ trương công chức hóa cán bộ cấp xã, song chất lượng của đội ngũ này hiện vẫn rất thấp so với yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ở Lâm Đồng, ngoài xã Tân Hội được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đầu tư xây dựng mô hình điểm còn có 11 xã được UBND tỉnh chọn và đầu tư trong giai đoạn từ nay tới năm 2020. Theo quy định của Bộ NN-PTNT, các xã nông thôn mới phải đạt được 19 tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, thực trạng kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa - xã hội và môi trường, hệ thống chính trị- xã hội. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã- những người trực tiếp quản lý, điều hành quá trình chương trình xây dựng xã nông thôn mới ở cơ sở được nhìn nhận là có vai trò rất quan trọng đến thành công của chương trình.

gggf
Quang cảnh nông thôn mới xã Tân Hội (Đức Trọng). Ảnh: Bình Nguyên.
Sau gần 2 năm triển khai, Chương trình Xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Hội đã được Nhà nước đầu tư 10,62 tỷ đồng để thi công 9 hạng mục công trình;11 xã điểm của tỉnh cũng đã được UBND tỉnh đầu tư 11 tỷ đồng (mỗi xã 1 tỷ đồng) để đầu tư quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng nông thôn… Theo quy định của Nhà nước, UBND cấp xã được giao làm chủ đầu tư các nguồn vốn, các hạng mục công trình này.

Thế nhưng, khảo sát mới đây của Sở NN-PTNT tỉnh cho thấy như sau: Tuy không ngừng được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản lý và thực hiện chủ trương công chức hóa cán bộ cấp xã, song chất lượng của đội ngũ này hiện vẫn rất thấp so với yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Cụ thể : Đối với bí thư đảng ủy xã hiện chỉ có 52,18% tốt nghiệp trung học phổ thông, 43,48% tốt nghiệp trung học cơ sở và 4,34% trình độ tiểu học; chuyên môn kỹ thuật: có 63,47% bí thư đảng ủy xã chưa qua đào tạo, 20,86% có trình độ trung cấp, 8,69% có trình độ đại học; lý luận chính trị: 7,82% chưa qua đào tạo, 14,78% có trình độ trung cấp và 6,95% có trình độ cao cấp. Với chủ tịch UBND cấp xã 70,2%  tốt nghiệp trung học phổ thông, 27,2% tốt nghiệp trung học cơ sở, 2,6% trình độ tiểu học; về chuyên môn kỹ thuật thì 55,26% chưa qua đào tạo, 28,95% có trình độ trung cấp, 7,9% có trình độ đại học; đặc biệt, trên 50% số chủ tịch UBND cấp xã chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý Nhà nước.

Còn theo UBND thành phố Bảo Lộc, hiện tại thành phố có 5 xã và 165 cán bộ xã thì cũng chỉ có 52 người đạt tiêu chuẩn công chức, 58 người có trình độ chuyên môn trung cấp và 5 người có trình độ đai học. Đạ Oai là xã được UBND huyện Đạ Huoai chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới, nhưng theo ông Phạm Văn Đỏ- Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của UBND xã thì thực trạng đội ngũ cán bộ xã “không đạt yêu cầu của tiêu chí” khi 3/7 công chức không có bằng cấp chuyên môn, 4/7 công chức mới có bằng trung cấp chuyên môn; chỉ mới 3/11 cán bộ chuyên trách đang theo học các lớp trung cấp kỹ thuật tại chức.

Với trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã còn thấp và chưa đáp ứng được với nhiệm vụ là chủ đầu tư các công trình, hạng mục công trình được Nhà nước cấp vốn cũng như vận động và tổ chức cho nhân dân tham gia (vốn, đất đai, kinh nghiệm…) xây dựng nông thôn mới nên ngay tại xã Tân Hội, một trong những khó khăn - theo ông Hòng Sỹ Bích - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở NN-PTNT thì “ …Trình độ, năng lực cán bộ xã hiện chưa đáp ứng so với yêu cầu cụ thể của chương trình như: chưa nắm bắt được đầy đủ trình tự thủ tục về xây dựng cơ bản theo cơ chế đặc thù quy định…; việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để tham gia chương trình  do vậy còn gặp khó khăn… mặc dù xã Tân Hội sau 1 năm triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã đạt 11/19 tiêu chí - tăng 3 tiêu chí so với trước khi triển khai…”.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là tới năm 2020 phải có 100% cán bộ cấp xã đạt chuẩn, nhưng trước mắt để xây dựng thành công mô hình xã nông thôn mới ở 12 xã đã được lựa chọn trong giai đoạn từ nay tới 2020,  việc bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn (nhất là kỹ thuật về nông - lâm nghiệp và xây dựng cơ bản) cần sớm được đặt ra và thực hiện. Về lâu dài, cần chú trọng hơn tới khâu quy hoạch cán bộ và bố trí cán bợ hợp lý, chú trong hơn tới việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ “ vừa hồng, vừa chuyên” cho chính quyền cấp cơ sở.

Đức Hưng