Cà phê tăng giá, niềm vui liệu có trọn vẹn?

03:11, 11/11/2010

Từ cuối tháng 10 đến nay, giá cà phê ở Lâm Đồng đã tăng dần từ dưới 25.000 đồng/kg lên 31.000 – 32.000 đồng/kg. Theo quan sát của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đây là giá cà phê cao nhất trong vòng hai năm qua ở Lâm Đồng.

Từ cuối tháng 10 đến nay, giá cà phê ở Lâm Đồng đã tăng dần từ dưới 25.000 đồng/kg lên 31.000 – 32.000 đồng/kg. Theo quan sát của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đây là giá cà phê cao nhất trong vòng hai năm qua ở Lâm Đồng. Giá cà phê tăng, trước mắt, nhà nông mừng; nhưng còn về lâu dài, liệu niềm vui  có trọn vẹn khi chỉ mới đang trong giai đoạn “giáp hạt”  thôi mà nhiều vùng cà phê trong tỉnh đã bắt đầu “rục rịch” những ẩn họa?

HAI NĂM MỚI CÓ… ĐẦU MÙA

 

Theo niên vụ, cuối tháng 10 đầu tháng 11 là giai đoạn cà phê Tây Nguyên bắt đầu chín. Nhà nông gọi đây là giai đoạn “giáp hạt”. Ở giai đoạn “giáp hạt”, thường thì giá cà phê tăng cao hơn thời kỳ thu hoạch rộ, vì lượng cà phê chín lúc đầu vụ chưa nhiều. Riêng năm nay, đúng vào lúc đầu vụ thu hoạch, giá cà phê thế giới được đẩy lên khá cao nên giá trong nước cũng tăng theo đến mức cao nhất trong vòng hai năm qua cũng là điều dễ hiểu. Giá cà phê tăng, niềm vui của nông dân vùng sâu vùng xa càng lớn gấp bội lần so với nhà vườn vùng ven thị. Điều này được nhận thấy khá dễ dàng khi đến với người dân các xã Đạ Long, Rô Men, Đạ Sal… của huyện Đam Rông. Anh Lò Đức Anh ở thị trấn Bằng Lăng (huyện vùng sâu Đam Rông) đã không giấu được niềm vui: “Nhà có 5 sào. Năm nay, tuy đầu mùa – lúc trái bắt đầu “ngậm hạt”, vườn cà phê của nhà có hiện tượng rụng quả non nhưng nhờ xử lý kịp thời nên năng suất không đến nỗi quá tệ. Nay cà phê đang được giá, chắc là bù lại được chỗ mất đi do rụng trái non. Có khi còn hơn thế!”.

Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “So với các huyện khác thì diện tích cà phê của Đam Rông không sánh kịp nhưng nếu xét về cơ cấu cây trồng của huyện thì cà phê đang dần có vị trí đáng kể”. Cụ thể, trong khi diện tích một số cây trồng khác của Đam Rông như lúa, khoai lang, chè… có chiều hướng giảm dần (để thay thế những cây trồng khác) thì cây cà phê ở đây đã tăng từ 3.094ha năm 2005 lên 4.590ha hiện nay. Vì vậy, khi cà phê tăng giá, nếu niềm vui của nhà vườn vùng ven trung tâm nhân đôi thì niềm vui của người dân vùng sâu vùng xa Đam Rông được nhân lên gấp nhiều lần hơn thế. Đó là với riêng Đam Rông, còn nếu nhìn rộng ra thì niềm vui ấy cũng.. lan rộng đến cả vùng cà phê hơn 130.000ha của toàn tỉnh, với sản lượng năm nay ước khoảng trên 300.000 tấn. “Có điều, vui là vui vậy, chứ thực tình thì không biết đến lúc thu hoạch rộ (khoảng tháng 12 đến tháng 1 năm sau), liệu nhà vườn như chúng tôi đây có còn cơ hội giữ được gương mặt rạng rỡ của mình không, bởi lẽ đây chỉ mới đầu vụ thu hoạch” – nhà nông Lò Đức Anh vẫn không hết lo lắng. Hay nói như ông Nguyễn Kim Tú – Phó tổng GĐ Công ty cà phê Thái Hòa Lâm Đồng (trụ sở đóng tại huyện Lâm Hà), một trong số các đơn vị kinh doanh cà phê lớn ở Tây Nguyên – thì “khó mà đoán trước được, vì giá cả cà phê trong thời gian gần đây cứ “nhảy múa” không biết đâu mà lần”. 

“BỆNH” KHÁC CỦA CÂY CÀ PHÊ

Năm nay, cà phê Lâm Đồng không đạt năng suất cao như mọi năm vì mấy thứ bệnh: Bệnh sâu “lạ” tấn công, bệnh ấu trùng ve sầu, bệnh rụng lá… Và, vẫn còn một số “bệnh” khác dường như đã trở thành “kinh niên”, và xem ra không phải là dễ “chữa trị”!

Vẫn anh Lò Đức Anh, lúc chúng tôi ghé chơi, thấy có khách, anh đặt mấy chiếc bao tải xuống hè rồi vào nhà với dáng đi… tất tả. Anh nói: “Tôi cùng đứa con trai lớn định vô vườn cà phê để hái bớt. Vườn nhà tôi trồng cà phê robusta nên trái vừa chín tới nhiều lắm rồi, phải tranh thủ hái thôi. Vì, không biết đến lúc chín, chủ nhà có còn được hái hay không!”. Nỗi lo của anh Lò Đức Anh cũng là nỗi lo của nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở vùng sâu Đam Rông hiện nay – thời điểm cà phê bắt đầu chín tới. Hóa ra, “bệnh” hái cà phê chưa kịp chín bởi tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” đã lan đến tận vùng sâu Đam Rông. Còn tại huyện Lâm Hà, khi chúng tôi tìm hiểu tình hình của căn bệnh “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều cán bộ lãnh đạo của địa phương này thừa nhận, hiện nhà vườn vẫn bất chấp tất cả để “tuốt” vội thành quả một nắng hai sương của mình để “bán lấy được, vì sợ để ngoài đồng, trộm hái trước chủ nhà” (lời của một cán bộ cấp huyện). “Lâm Hà có hẳn những văn bản cấm hái cà phê xanh, cấm các cơ sở thu mua thu mua cà phê xanh của dân, nhưng tình hình chuyển biến theo hướng tích cực không rõ ràng lắm, thậm chí là ngược lại” – một lãnh đạo huyện Lâm Hà cho biết.

“Năm nay, giờ này, tuy chỉ đầu vụ, nhưng cà phê đang được giá, với lại, nạn trộm cà phê cũng đã bắt đầu nổi lên rồi, nên nhà nông chúng tôi tranh thủ thu hoạch!” – ông Hoàng Văn Thân ở Nam Ban nêu lý lẽ của mình để biện minh cho việc thu hái cà phê xanh. Quả thực, “bệnh” trộm cà phê tuy mới nổi lên ở Lâm Đồng trong một vài năm nay thôi nhưng đã gây nên một hậu quả khó lường về mặt xã hội: Thu hái cà phê xanh trở thành một thói quen, và như là điều đương nhiên của người trồng cà phê. Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Trần Thanh Phương cho biết: “Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chỉ đạo các xã và thị trấn, và cả những doanh nghiệp kinh doanh cà phê đứng chân trên địa bàn, là không được thu hái và thu mua cà phê xanh; đồng thời phải tăng cường công tác an ninh để hạn chế đến mức thấp nhất nạn trộm cắp cà phê trong vườn nhà dân”. Tại huyện Đức Trọng, nhiều xã hiện cũng đã tái lập các đội tự quản để cùng với dân quân tự vệ hằng đêm đi tuần nhằm hạn chế nạn trộm cắp cà phê.

Theo cách tính toán của các chuyên gia về cà phê, việc hái cà phê xanh sẽ làm giảm sản lượng từ 10% - 15%; đồng thời, chất lượng hạt cũng giảm đáng kể (teo tóp, vị nhạt…); và hậu quả là khi xuất khẩu, cà phê Việt Nam bị “trừ lùi” cao (từ 100 – 120USD/tấn) và mức thải loại lớn (hằng năm, cà phê Việt Nam chiếm đến 80% số lượng bị thải loại của cả thế giới).

Khắc Dũng