Cần giúp nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

03:11, 02/11/2010

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Lâm Đồng với vùng chuyên canh rau hoa Đà Lạt có thu nhập hàng tỷ đồng trên một hécta đang là vấn đề được bàn luận nhiều trong phạm vi cả nước.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Lâm Đồng với vùng chuyên canh rau hoa Đà Lạt có thu nhập hàng tỷ đồng trên một hécta đang là vấn đề được bàn luận nhiều trong phạm vi cả nước. Bởi lẽ, Lâm Đồng hiện là tỉnh có thu nhập bình quân trên 1ha diện tích canh tác nông nghiệp những 70 - 75 triệu đồng/năm - cao gấp đôi mức bình quân cả nước - và là địa phương “xung phong” đi đầu trong việc đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 trở đi sẽ đạt đến con số 100 triệu đồng/ha/năm.
 
Thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp ở Cát Tiên.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp ở Cát Tiên.

Đến lúc này, việc sản xuất NNCNC ở Lâm Đồng đã trở nên phổ biến. Không chỉ doanh nghiệp có vốn nhiều mới phát triển NNCN cao mà ngay cả nhà nông bình thường ở vùng rau Đà Lạt, vùng cà phê Di Linh, vùng chè Bảo Lộc, vùng cây ăn trái Đạ Huoai… nếu có vốn lớn cũng có thể phát triển NNCNC để mỗi năm có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu những 1 tỷ đồng/ha (như các mô hình trồng hoa cao cấp ở Đà Lạt, trồng ớt ngọt ở Đơn Dương…).

Ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, một nông dân tên là Nguyễn Bình Đông đã bỏ ra một nguồn vốn khổng lồ để xây dựng mô hình canh tác chè cao cấp (cho trà “ăn” rong biển, bã đậu nành, cho trà “uống sữa” bằng cách lên men sữa rồi tưới lên đọt chè…) có quy mô 40ha với mỗi năm cho thu nhập 350 triệu đồng/ha. Gần đây, một mô hình doanh nghiệp tư nhân khác được nhắc nhiều đến là Công ty Dalat GAP của ông Lê Văn Cường ở phường 8 Đà Lạt chuyên canh tác rau sạch cho thu nhập bình quân gấp 4 lần so với canh tác truyền thống (300 triệu đồng/ha/năm so với 75 triệu đồng). Và, nói đến canh tác NNCNC là phải nói đến một doanh nghiệp nước ngoài lần đầu tiên thực hành mô hình này trên địa bàn Đà Lạt: Dalat Hasfarm. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Dalat Hasfarm được thành lập và đi vào hoạt động với mô hình trồng hoa cao cấp trong nhà kính với công nghệ tiên tiến nhất. Sau gần 10 năm hoạt động, Dalat Hasfarm hiện vẫn là đơn vị dẫn đầu của ngành sản xuất hoa cao cấp chuyên xuất khẩu của Lâm Đồng với mức thu nhập bình quân không dưới 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tại hội nghị tổng kết mô hình sản xuất NNCNC, tiến sỹ Phạm S - GĐ Sở KHCN Lâm Đồng - cho biết: “Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất NNCNC ở Lâm Đồng sẽ được tiếp tục triển khai theo chủ trương chung của Chính phủ và của tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt là theo đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 để vận dụng vào điều kiện cụ thể ở tỉnh Lâm Đồng nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tối ưu nhất của địa phương”. Từ định hướng trên, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2015 đạt thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha. Theo đó, tỉnh sẽ ổn định diện tích đất canh tác 280.000ha cây trồng, trong đó có 60% diện tích được chủ động nguồn nước tưới, 80% được cơ giới hóa, và đặc biệt là 80% nông sản được chế biến trước khi đưa ra thị trường.

Rõ ràng, trên đây là những con số rất lý tưởng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, nhà nông Lâm Đồng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Trước hết, đó là nguồn vốn để sản xuất NNCNC của người nông dân. Ông Đỗ Văn Mười – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) – tâm sự: “Trong Hội nông dân xã chúng tôi, hội viên Tống Văn Phúc ở thôn Bắc Hội mỗi năm có thu nhập không dưới 160 triệu đồng từ trồng rau CNC. Tuy nhiên, số hộ như ông Phúc không nhiều. Bởi lẽ, không phải hộ nông dân nào cũng có đủ vốn để chuyển sang canh tác NNCNC”. Theo ông Mười, 1ha nhà kính trồng rau CNC bằng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động… cần một khoản tiền không dưới 120 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định chung thì nhà nông chỉ được vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, thị trường cũng là yếu tố quyết định đến giá trị nông sản được sản xuất theo CNC của Lâm Đồng. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, đã có lúc rau Đà Lạt rẻ như bèo, kể cả rau cao cấp, rau sạch. Cũng có lúc cà phê Lâm Đồng bán không thu hồi lại công đầu tư. Hoặc đôi khi, cà chua sạch ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương… thu hoạch xong chỉ để cho… bò ăn cho đỡ tiếc. Điều quan trọng nữa: Đầu ra của sản phẩm NNCNC xem ra không thật ổn định, giá cả lại không cao hơn so với các loại nông sản bình thường. Việc trồng sả hương theo tiêu chuẩn Global Gap ở huyện Đạ Tẻh hiện “không biết bán cho ai” là một ví dụ. Hoặc như Công ty Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng đã phải “rút” con số 5.000 hộ nông dân với 9.000ha cà phê canh tác theo tiêu chuẩn “sạch” xuống còn 950 hộ vì sản phẩm của họ không cao hơn giá cà phê bình thường trên thị trường thế giới cũng là một ví dụ.

Con số 3.300ha được canh tác theo công nghệ mới trong tổng số 280.000ha cây trồng của Lâm Đồng trong hiện tại là một con số không lớn, mặc dầu đạt bình quân 1ha gieo trồng đến 70 – 75 triệu đồng mỗi năm. Con số phấn đấu đến năm 2015 đạt 100 triệu đồng/ha của tỉnh Lâm Đồng cũng không phải là con số lý tưởng hóa. Tuy nhiên, có một điều mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đó là: Khoảng cách về thu nhập giữa nông dân nghèo và nông dân giàu sẽ càng ngày càng nới rộng nếu không giải quyết những vấn đề đặt ra vừa nêu trên đây.
 
Khắc Dũng