Với chủ trương tạo bước đột phá, tăng tốc, thời gian qua, ngành công nghiệp đã chủ động xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn dựa trên một số lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh như: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản, tơ tằm dệt may; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất và phân phối điện nước; phát triển các khu, cụm điểm công nghiệp; phát triển nghề truyền thống TTCN và làng nghề…
Với chủ trương tạo bước đột phá, tăng tốc, thời gian qua, ngành công nghiệp đã chủ động xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn dựa trên một số lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh như: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản, tơ tằm dệt may; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất và phân phối điện nước; phát triển các khu, cụm điểm công nghiệp; phát triển nghề truyền thống TTCN và làng nghề…
|
Chế biến nông - lâm sản là một trong 5 chương trình trọng tâm của ngành CN. |
Mặc dù mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, do sự biến động của thị trường khu vực và thế giới, ảnh hưởng suy thoái kinh tế, thời tiết không thuận lợi, nguyên, vật liệu là đầu vào của sản xuất công nghiệp tăng cao… Song, với những giải pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt và chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, nên tình hình triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm và các công trình trọng điểm của ngành công nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt 17,51%.
Một lãnh đạo Sở Công thương cho biết, trong 5 chương trình trọng tâm phát triển công nghiệp, thì lĩnh vực chế biến nông lâm sản, tơ tằm dệt may được xem là ngành có tiềm năng lợi thế được tỉnh quan tâm kêu gọi thu hút đầu tư. Chính vì vậy, đến nay toàn ngành đã thu hút được khoảng 8.250 doanh nghiệp cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chiếm 98,44% số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp trong tỉnh. Trong lĩnh vực chế biến cà phê các doanh nghiệp đang chuyển dần sang quy trình sản xuất theo công nghệ ướt nhằm nâng cao công suất chất lượng sản phẩm; toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp sản xuất cà phê theo công nghệ ướt, trong đó Công ty Thái Hòa và Công ty Vina Cà phê có mô hình chế biến hiện đại theo công nghệ tiên tiến. Chế biến chè chất lượng cao cũng đang được các doanh nghiệp chủ động đầu tư mở rộng nhà xưởng, nhập các giống chè mới và công nghệ, kỹ thuật mới để sản xuất ra các loại chè cao cấp, chè xanh dạng viên, chè ôlong phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sản xuất và chế biến các sản phẩm chè cao cấp như Thúy Ngọc, ô long, Tứ Quý, Kim tuyến... chủ yếu được thực hiện ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như các công ty Chè Kinh Lộ, Haiyh, Phương Nam có trình độ công nghệ đạt mức tiên tiến và thị trường xuất khẩu ổn định. Đối với ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, trong 5 năm qua đã có nhiều công trình thủy điện lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành như Thủy điện Đại Ninh có công suất 300MW (đã đưa vào vận hành năm 2008), Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 với tổng công suất 520 MW (dự kiến đưa vào vận hành và phát điện trong năm 2011). Lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng khá cao, đồng nghĩa trong giai đoạn 2006-2010, thu hút thêm được 34 dự án, nâng tổng số dự án trong lĩnh vực thủy điện lên 53 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 10.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chương trình công nghiệp khai thác và chế biến khoáng bước đầu cũng đã gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ.
Đến nay Dự án tổ hợp Bauxit - nhôm Tân Rai đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý I/2011; Dự án Hydroxite nhôm Bảo Lộc, công suất 550 ngàn tấn/năm; dự án sản xuất bê tông nhẹ, gạch thạch anh nhân tạo, bê tông dự ứng lực… cũng đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để sớm đưa vào hoạt động. Chương trình xây dựng các khu, cụm điểm công nghiệp, đến nay ngoài 2 cụm công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội, ngành công nghiệp cũng đã quy hoạch được 14 cụm, điểm sản xuất công nghiệp tập trung với tổng diện tích 713 ha, trong đó có 12/14 cụm đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng với tổng số vốn 908 tỷ đồng. Bước đầu các khu, cụm điểm công nghiệp đã thu hút được 81 nhà đầu tư, trong đó có hàng chục dự án đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cho ngành công nghiệp tỉnh nhà.
Tuy việc triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm của ngành công nghiệp đã đạt được một số mục tiêu đã đề ra, nhưng chất lượng của các chương trình còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc quy hoạch đầu tư xây dựng các khu, cụm điểm công nghiệp không đạt tỷ lệ lấp đầy. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư chậm, thiếu đồng bộ; tiến độ giải phóng mặt bằng còn trì trệ, hệ thống giao thông, các công trình thiết yếu đi kèm như điện nước, viễn thông còn thiếu làm nản lòng các nhà đầu tư. Nhiều dự án đầu tư vào các khu công nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu, chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Vấn đề đầu tư vùng nguyên liệu và ký kết hợp tiêu thụ nông sản cho nhân dân còn thấp (mới chỉ đạt 15% sản lượng). Khi hầu hất các doanh nghiệp chưa đủ khả năng đầu tư vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng kinh tế với dân, chưa mạnh dạn hoặc chưa đủ điều kiện đầu tư vốn ứng trước cho đầu tư vùng nguyên liệu…
Để thực sự tạo được bước “đột phá, tăng tốc”, thời gian tới ngành công nghiệp cần tích cực quan tâm công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các chương trình trong tâm, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc các nhà đầu tư xây khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng công trình, dự án trọng điểm của ngành, tránh tình trạng tranh đất xí phần rồi bán dự án. Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh những chính sách phù hợp thực sự tác động tích cực đến lĩnh vực công nghiệp - TTCN, đặc biệt là việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm điểm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Hải Phong