Nhằm phát huy thế mạnh về khí hậu, đất đai và ngành nghề truyền thống của nông dân, Chương trình Phát triển bò sữa đã được UBND tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN- PTNT) triển khai từ đầu năm 2001 tới nay.
|
Ảnh minh họa. |
Nhằm phát huy thế mạnh về khí hậu, đất đai và ngành nghề truyền thống của nông dân, Chương trình Phát triển bò sữa đã được UBND tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN- PTNT) triển khai từ đầu năm 2001 tới nay.
Theo kết quả thống kê của Sở NN - PTNT, tới cuối năm 2006, sau 5 năm triển khai chương trình này toàn tỉnh đã có 2.910 con bò sữa; ngoài 2 doanh nghiệp chăn nuôi tập trung là Công ty Giống bò sữa Lâm Đồng (nay là Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt) và Công ty Thanh Sơn với tổng đàn 1.205 con, đã có 480 hộ nông dân ở Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh… đầu tư nuôi bò sữa theo hình thức chuyên canh. Nhờ chất lượng con giống cao và được chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sữa bình quân của tỉnh giai đoạn này (2001 - 2006) đạt 17 lít/ con/ngày, tương ứng 4.550 kg/con trên một chu kỳ vắt sữa. Để tiêu thụ sữa bò tươi cho người chăn nuôi, UBND các huyện trong vùng quy hoạch đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng và đưa vào hoạt động 5 trạm và 2 điểm thu mua sữa.
Phát huy những kết quả này, từ năm 2007 tới nay đầu tư nâng cao tổng đàn và chất lượng đàn bò sữa vẫn đang được ngành nông nghiệp và nông dân quan tâm thông qua thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò sữa thuần và bò nền với liều tinh và dụng cụ chuyên dùng được Bộ NN - PTNT hỗ trợ 100% theo nhu cầu của địa phương (Kết quả là trong 3 năm từ 2007 - 2009 đã có thêm 581 con bò sữa được phối giống và 358 bê sữa giống đã ra đời). Cùng với việc đầu tư đào tạo cán bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò sữa và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa chất lượng cao cho các địa phương, ngân sách tỉnh đã đầu tư trực tiếp cho người chăn nuôi trên 7, 2tỷ đồng (số quy tròn) để mua con giống (trong đó đầu tư cho mua con giống bò sữa thuần 4,7 tỷ, bò laisind 2,2 tỷ đồng và mua nito bảo quản đông lạnh viên tinh 0,19 tỷ). Vùng phát triển chăn nuôi bò sữa và bò thịt cũng đã được quy hoạch và triển khai với định hướng chỉ phát triển bò sữa ở các địa phương như Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc và Đà Lạt. Dựa vào quy hoạch này, thời gian qua đã có 11 trang trại nuôi bò sữa và một số hợp tác xã bò sữa đã ra đời tại Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo lộc…
Mục tiêu của UBND tỉnh đề ra cho Sở NN - PTNT và chính quyền các địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển bò sữa của tỉnh là cuối năm 2010 này phải có đàn bò sữa thuần 6.000 con, trong đó có 3.500 bò cái sinh sản và 2.500 bò cái vắt sữa. Tuy nhiên, tới cuối tháng 9 - 2010 vừa qua tổng đàn bò sữa thực có của toàn tỉnh chỉ mới là 2.935 con - bằng 50% kế hoạch mục tiêu và chỉ tăng so với cuối năm ngoái 124 con. Thực tế này đã cho thấy nếu giai đoạn 2001 - 2007 lĩnh vực chăn nuôi bò sữa của tỉnh có bước phát triển khá nhanh thì giai đoạn từ 2008 tới nay đã và đang chững lại. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này - theo Sở NN - PTNT - là UBND tỉnh tới nay vẫn chưa phân bổ vốn cho chương trình như kế hoạch; giá cả và tổ chức thu mua tiêu thụ - chế biến sữa chưa ổn định (mặc dù toàn tỉnh đã có 5 trạm và 2 điểm thu mua sữa được xây dựng trước năm 2007 và năm 2009 Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt đã đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy Chế biến sữa thanh trùng và sữa chua với công suất 3 tấn sữa thanh trùng và 2 tấn sữa chua/ giờ); chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển bò sữa của tỉnh chưa nhận được sự quan tâm của các ngành chức năng như đất đai, ngân hàng, thuế… và ngành nông nghiệp cũng vẫn chưa có được bộ máy chuyên trách để thực hiện và quản lý các hoạt động dịch vụ- kỹ thuật và chất lượng giống bò sữa.
Năm 2005 Lâm Đồng đã sản xuất được 4.500 tấn sữa bò tươi, con số này năm nay - năm 2010 - ước tính mới chỉ đạt khoảng 5.800 tấn - thấp hơn so với mục tiêu của Chương trình Phát triển bò sữa giai đoạn 2001 - 2010 đã được UBND tỉnh xác định khoảng 5.200 tấn - cho thấy tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh vẫn còn chưa được phát huy có hiệu quả cao và phần lớn nhu cầu sữa tiêu dùng của địa phương vẫn đang là hàng nhập khẩu…
Đức Hưng