Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung là một trong những “vựa rau” lớn nhất cả nước, cung cấp rau củ cho không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế.
Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung là một trong những “vựa rau” lớn nhất cả nước, cung cấp rau củ cho không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Nhưng người nông dân vẫn là người thiệt thòi và vẫn ở “chiếu dưới” bởi cơ chế làm ăn riêng lẻ như hiện nay. Liên kết để tạo sức mạnh cho chính bản thân là mục tiêu những người nông dân trồng rau đang làm, với sự ra đời của Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) rau hoa Đà Lạt, tập thể của 7 HTX mạnh nhất trong lĩnh vực rau củ toàn tỉnh.
Ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm HTX Xuân Hương là một trong những người “có tiếng” trong giới sản xuất rau an toàn than thở: “Trồng ra cây rau an toàn không khó, nhưng nông dân vẫn thua thiệt vì bị ép giá. Ngay cả HTX Xuân Hương trồng rau theo hợp đồng nhưng vẫn bị ép giá bởi đối tác “chơi” kiểu đấu thầu, nơi nào cung cấp rau giá thấp hơn thì họ lấy. Bởi vậy chúng tôi rất bức xúc”. Bức xúc ấy được thể hiện bằng việc HTX Xuân Hương cùng các HTX bạn quyết tâm thành lập bằng được Liên hiệp HTX rau hoa Đà Lạt, dựa vào sức mạnh của sự liên kết để tăng sức ảnh hưởng với giá cả thị trường. 7 HTX này thuộc 3 địa phương gồm Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng, có quy mô sản xuất tốt, xã viên có kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất rau an toàn và đã được nhiều loại chứng nhân đạt chuẩn trong sản xuất rau. Hơn nữa, mỗi thành viên trong liên hiệp đều mạnh về một loại rau nào đó, như HTX Xuân Hương, Anh Đào (Đà Lạt) có thể cung cấp các chủng loại rau xứ lạnh như xà lách, sú thảo…; HTX Xuân Lộc (Xuân Thọ, Đà Lạt) lại mạnh nhất về khoai tây, cà rốt; HTX An Tiến (Đức Trọng) chuyên trồng ớt, cà tím, đậu… cho năng suất cao; HTX Thạnh Nghĩa (Đơn Dương) lại là nguồn cung lớn về cà chua, bí, hành tây…Mỗi HTX để riêng ra thì chỉ mạnh nhất trong loại nông sản của mình, nếu kết hợp lại sẽ có thể cung cấp hầu hết các mặt hàng rau của của Lâm Đồng. Đây là một thế mạnh rất lớn để các HTX và người nông dân góp tiếng nói đòi quyền lợi với các đối tác như lời ông Trần Văn Phúc, Chủ nhiệm HTX Xuân Lộc (Đà Lạt): “HTX tôi mỗi năm cung ứng được cả ngàn tấn khoai tây nhưng giá cả thì lại do phía đối tác ép giá, họ đưa ra đấu thầu rồi ai cho giá thấp họ chọn. Nay tham gia liên hiệp, chúng tôi sẽ thỏa thuận giá cả nội bộ để đối tác không thể ép giá, nông dân đỡ phải chịu thiệt”. Thỏa thuận giá cả từ nội bộ, không để đối tác ép giá là lợi ích đầu tiên của những thành viên Liên hiệp HTX rau hoa Đà Lạt.
Nhưng tính xa hơn, việc liên kết làm ăn còn mang lại lợi ích rất lớn cho các thành viên trong cơ chế thị trường hiện nay. Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, người tham gia sáng lập liên hiệp phân tích: “Khi tham gia liên kết rồi, liên hiệp có đủ khả năng để ký hợp đồng cung cấp những số lượng hàng lớn cho các đối tác. Liên hiệp sẽ chia ra, HTX nào có khả năng sẽ nhận sản xuất những mặt hàng đúng năng lực của mình, tránh cảnh như hiện nay HTX nào nhận đơn hàng sẽ phải đi thuê nông dân bên ngoài cung cấp lại, rất dễ bể hợp đồng. Liên hiệp HTX sẽ là chủ thể lớn, đủ sức thỏa thuận với bất cứ đối tác nào để có những quyền lợi tốt nhất cho thành viên”. Trong xu thế hiện đại, các đối tác thường không muốn kí kết làm ăn với các hộ cá thể nhỏ lẻ, họ luôn mong muốn được làm việc với một đầu mối duy nhất đủ sức cung cấp những đơn hàng lớn với một kế hoạch cụ thể, đơn cử như hệ thống Saigon Co.op Mart hay Pepsico đang ký kết với các HTX tại Lâm Đồng. Bởi vậy, Liên hiệp HTX rau hoa Đà Lạt ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng vừa của người sản xuất, vừa của nhà tiêu thụ. Và khi một Liên hiệp HTX ra đời từ chính nhu cầu và mong muốn của người trong cuộc. Vì the,á nếu có bước đi đúng, thành công sẽ là điều chắc chắn. Cùng với sự liên kết đầu tiên của những người sản xuất rau hoa Đà Lạt, hi vọng trong tương lai, những người nông dân sẽ đoàn kết để đủ sức tham gia điều phối thị trường, mang lại quyền lợi chính đáng cho những người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm rau củ phục vụ người tiêu dùng.
Diệp Quỳnh