Nuôi nhông tại Đạ Tẻh

03:11, 02/11/2010

Mặc dù mới được nuôi thử nghiệm nhưng con nhông (còn gọi là kỳ nhông, dông) nuôi trên đất cát tại Đạ Tẻh đã tỏ ra phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Mô hình nuôi nhông đã mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi giống vật nuôi tại địa phương thuần nông này…

Mặc dù mới được nuôi thử nghiệm nhưng con nhông (còn gọi là kỳ nhông, dông) nuôi trên đất cát tại Đạ Tẻh đã tỏ ra phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Mô hình nuôi nhông đã mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi giống vật nuôi tại địa phương thuần nông này…
 
Bà Nguyễn Thị Thu với mô hình nuôi nhông mới được triển khai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh.
Bà Nguyễn Thị Thu với mô hình nuôi nhông mới được triển khai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh.
Mô hình nuôi nhông được Phòng Công thương huyện Đạ Tẻh chủ trì thực hiện từ tháng 5 năm 2010. Ban đầu, phòng đã chọn 2 hộ có nhu cầu và điều kiện nuôi nhông để triển khai mô hình là gia đình bà Nguyễn Thị Thu (khu 5a, thị trấn Đạ Tẻh) và gia đình bà Nguyễn Thị Loan (khu 4b, thị trấn Đạ Tẻh). Từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, mỗi gia đình đã được đầu tư 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Bà Lê Bá Phụng Anh - Chuyên viên Phòng Công thương huyện Đạ Tẻh cho biết: Sau khi nhận được thông báo về thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ 2011 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, phòng đã cử một cán bộ chủ nhiệm để tài phối hợp với hai hộ dân tham gia xây dựng mô hình. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, hiện phòng vẫn đang theo dõi để đánh giá quá trình sinh trưởng, sinh sản của con nhông, tình hình bệnh để có căn cứ nhân rộng mô hình sau này. Đây là mô hình rất mới ở huyện Đạ Tẻh nhưng được đánh giá cao bởi con nhông dễ nuôi, dễ kiếm thức ăn. Đến hiện tại, ngoài hai hộ dân này cũng đã có một số hộ dân đang tiền hành tìm hiểu cách thức nuôi và làm chuồng để triển khai.
 
Không phải ngẫu nhiên con nhông được chọn để triển khai như là một giải pháp chuyển đổi giống vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận…, Phòng Công thương huyện nhận thấy đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sau gần 3 tháng mua con giống về nuôi, bà Nguyễn Thị Thu cho biết: Nuôi nhông rất đơn giản, chỉ khó nhất là khâu làm chuồng. Nền chuồng phải được lát xi măng và làm lỗ thoát nước rất nhỏ để nhông không thể chui ra ngoài. Trên nền xi măng trải một lớp cát dày khoảng 50 – 60 cm. Tường bao  xung quanh một phần được lót gạch men và phía trên có rào lưới để chống mèo vào. Chuồng nuôi nhông đòi hỏi lúc nào cũng phải có cát, có ánh nắng và có cây xanh. Đặc tính của con nhông là đào hang để sống, những thời điểm nắng gắt trong ngày thì nhông chui ra để phơi nắng và kiếm thức ăn. Thức ăn cho nhông cũng cực kì đơn giản, rẻ tiền và dễ kiếm như rau củ quả, một số loại côn trùng. Đặc biệt, con nhông rất thích ăn trái trứng cá, thân cây chuối, đây là nguồn thức ăn dễ kiếm tại Đạ Tẻh.
 
Hiện tại, giá một kg nhông thịt giao động từ 240 đến 250 ngàn, nhông giống giao động từ 300 đến 400 ngàn (loại 30 con giống/kg). Nhông nuôi từ 8 đến 10 tháng thì có thể thu hoạch với trọng lượng bình quân khoảng 0,5kg/con. Thịt nhông được chế biến thành nhiều món như nấu cháo, nướng … và là món đặc sản tại các quán ăn hiện nay. Ngoài ra, tiết và mật nhông đem pha với rượu uống còn chữa được bệnh đau lưng, nhức mỏi. Đối với nhông sinh sản,  mỗi năm nhông cái đẻ 4 đến 5 lứa, mỗi lứa khoảng 5, 6 trứng. Sau 1 tháng trong môi trường đất cát thì trứng nở và sau khoảng 20 ngày thì có thể bán con giống. Với nhu cầu của người nuôi ngày càng tăng, do đó tại huyện Đạ Tẻh hiện nay, nhông chủ yếu được nuôi để bán giống.
 
Về lâu dài, mục tiêu của huyện đặt ra là sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn huyện, liên kết các hộ sản xuất lại để hình thành trang trại có quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Qua tính toán của Phòng Công thương huyện, với diện tích chuồng là 60m2 thì sản lượng bình quân thu được sau từ 8 đến 10 tháng nuôi là 160kg. Với giá bán bình quân 280 ngàn/kg thì doanh thu đạt khoảng 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thì mức lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu. Đây được xem là một hướng đi giúp cho người nông dân tăng thêm thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh chóng trên địa bàn toàn huyện.
Hữu Sang