Người thân của những hộ nghèo vùng “rốn lũ”

03:11, 03/11/2010

Từ một nông dân nghèo với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Thịnh, người đảng viên, cựu chiến binh ở Thôn Phước Lâm, Phước Cát 1 (Cát Tiên) đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu ngay trên vùng “rốn lũ” và trở thành ông chủ trang trại heo và cá sấu có gia tài bạc tỷ.

Ông Nguyễn Văn Thịnh.
Ông Nguyễn Văn Thịnh.
Từ một nông dân nghèo với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Thịnh, người đảng viên, cựu chiến binh ở Thôn Phước Lâm, Phước Cát 1 (Cát Tiên) đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu ngay trên vùng “rốn lũ” và trở thành ông chủ trang trại heo và cá sấu có gia tài bạc tỷ. Tuy là một trong số những tỷ phú chân đất giàu có của huyện Cát Tiên, nhưng ông Thịnh luôn quan tâm đến những người nghèo khó xung quanh mình. “Mình khổ đã nhiều, nay thấy nhiều người còn khổ mà không giúp đỡ, là thấy lòng bất an. Làm ăn may mắn hơn, không giúp được nhiều thì cũng góp phần chia sẻ với mọi người chút ít, góp sức cùng cộng đồng trong tinh thần tương thân, tương ái”- ông Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ.
 
Gần 20 năm sinh sống và lập nghiệp trên vùng đất khó từ đôi bàn tay trắng, ông Thịnh là người hiểu rõ và luôn sống chia sẻ với tất cả những người còn gặp nhiều khó khăn xung quanh mình, bởi gia đình ông cũng đã từng trải qua những năm tháng cơ cực đó. Việc học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu ở Nguyễn Văn Thịnh chính là tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”. Và, những việc làm “vì cộng đồng” của ông được minh chứng qua những con số như: Trong 5 năm qua, ông Thịnh đã cho người dân trong vùng thiếu nợ khoảng 5 tỷ đồng (không tính lãi) với nhiều hình thức như: mua thiếu cám gạo, thức ăn chăn nuôi; mượn tiền mua máy móc, nông cụ, phân bón hoặc khi gia đình họ gặp khó khăn đột xuất. Cũng trong khoảng thời gian ấy, gia đình anh đã tặng 1.000 suất quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, các cụ cao tuổi, các cháu học sinh khá giỏi với trị giá khoảng 70 triệu đồng; giúp xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết 60 triệu đồng; hỗ trợ nước uống, đồ chơi cho Trường Mầm non và Nhà Văn hóa thôn khoảng 70 triệu đồng; hỗ trợ cho các đoàn thể hoạt động khoảng 50 triệu đồng; hỗ trợ địa phương làm đường giao thông nông thôn 40 triệu đồng; tài trợ cho 19 người tàn tật mỗi người 100 ngàn đồng/tháng. Với bà con S’Tiêng ờ buôn Bù Đạt, Nguyễn Văn Thịnh đã trở thành người thân của họ, khi trong năm năm liền, mỗi năm anh đều dành 115 suất quà tặng đồng bào trong những dịp Tết Nguyên Đán. Những mùa Cát Tiên bị lũ lụt, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều tăng giá đột biến, nhưng riêng cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc của ông không bao giờ tăng giá, mà ông còn sấy lúa, bắp miễn phí cho tất cả bà con trong thôn. Ông Thịnh luôn tâm niệm: “Lợi dụng lúc thiên tai, hoạn nạn để làm giàu trên khó khăn của người khác thì cái giàu ấy không bền”. Vì vậy ở những thời điểm khó khăn ấy, ông luôn hỗ trợ, giúp đỡ tận tình cho bà con vượt qua thiên tai lũ lụt khắc phục những khó khăn trước mắt.
 
Những việc làm “vì cộng đồng” của ông Nguyễn Văn Thịnh tuy chưa phải là quá lớn, nhưng ở địa vị của ông, không phải ai cũng có thể làm được. Nguyễn Văn Thịnh tâm niệm, ngay từ những ngày còn niên thiếu, rồi lớn lên đi bộ đội, ông luôn khắc ghi những lời dạy và việc làm của Bác, để rồi học và làm theo bằng tinh thần cầu tiến của người đảng viên, người lính Cụ Hồ… Những việc làm của ông thật bình dị nhưng thấm đẫm tình người và được bà con nghèo trên vùng “rốn lũ” Cát Tiên quý trọng yêu thương như chính người thân của họ. 

Hồng Hải