Sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary - Lời cảnh báo về môi trường

04:11, 10/11/2010

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Dự án tổ hợp Bô xít - Nhôm, Lâm Đồng do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư (TKV) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, Dự án tổ hợp Bô xít - Nhôm, Lâm Đồng do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư (TKV) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Mới đây, sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary càng khiến dư luận trong nước càng lo ngại thêm về việc khai thác Bô xít ở Tân Rai, bởi chúng ta khó có thể lường trước được những hiểm họa môi trường do dự án gây ra sau khi đi vào hoạt động. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn chủ đầu tư và các sở, ngành địa phương liên quan về dự án trọng điểm quốc gia này. 

* Ông Dương Văn Hòa - Phó Tổng Giám đốc TKV

Hồ bùn đỏ sẽ được bảo vệ như một công trình quan trọng của quốc gia

Ông Dương Văn Hòa.
Ông Dương Văn Hòa.
Thảm họa vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary là một lời cảnh báo nghiêm túc mà không được phép lơ là đối với TKV trong quá trình triển khai các Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tây Nguyên. Sau sự cố này, chúng tôi đã tiến hành làm việc với các nhà thầu để rà soát lại toàn bộ thiết kế của hồ bùn đỏ nhằm tìm các biện pháp mới để bổ sung cho trường hợp xấu nhất. TKV luôn xác định hồ bùn đỏ của dự án là một công trình quan trọng của Quốc gia và được lập hàng rào bảo vệ tuần tra theo dõi nghiêm ngặt như một công trình quân sự. Hiện TKV đang tiến hành xây dựng trạm quan trắc môi trường tại nhà máy để theo dõi chất lượng nước mặt, nước ngần và không khí sau khi Nhà máy Alumin đi vào hoạt động. Hiện chúng tôi đang tập trung xây dựng những phương án ứng phó an toàn nhất trong trường hợp vỡ khoang, hồ chứa tại hồ bùn đỏ; đồng thời dự phòng một kho axita, bao cát, các khối bê tông đúc sẵn để sẵn sàng lập bức tường ngăn chặn dòng bùn chảy ra xung quanh nhanh nhất nếu có sự cố xảy ra. Một trong những biện pháp được chúng tôi mới bổ sung và đang tiến hành xây dựng đó là đập dự phòng cách đập cuối cùng của hồ bùn đỏ khoảng 100m. Dưới đập dự phòng có cống thoát nước mặt kiểu cách phai đóng mở để đóng lại khi có sự cố xảy ra. Với phương án này, trong trường hợp có sự cố bất khả kháng thì có thể chặn nhốt toàn bộ bùn đỏ lại trong thung lũng không để tràn ra ngoài, mức độ ảnh hưởng đến môi trường cũng được khắc phục bằng cách tung axít vào để trung hòa kiềm.

* Ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng ban Nhôm - Bô xít TKV

Không có khả năng vỡ dây chuyền trong các khoang chứa hồ bùn đỏ

[links(right)]Hồ bùn đỏ của Tổ hợp dự án Bô xít - Nhôm Tân Rai được nhà thầu Chalieco thiết kế, có sự giám sát của Viện Thiết kế Nhôm - Magie Thẩm Dương, Trung Quốc. Theo thiết kế, hồ chứa số 1 đảm bảo hoạt động trong 15 năm và được chia thành 8 khoang nhỏ ngăn cách, với tổng diện 110 ha, dung tích trên 8,3 triệu m3. Hồ  bùn đỏ được xây dựng, vận hành theo kiểu “cuốn chiếu”. Các khoang bùn đỏ được vận hành theo thứ tự 1 khoang hoạt động thì có 1 khoang bên cạnh dự phòng để chứa nước lũ tràn, hoặc bùn đỏ tràn do sự cố của khoang đang hoạt động. Cách làm này sẽ tránh được trường hợp vỡ đồng loạt cùng một lúc, hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra. Do được chia làm nhiều ngăn nhỏ và nằm trong thung lũng với lòng chảo sâu khoảng 15m, bao bọc bởi các đồi cao nên mặc dù áp dụng công nghệ thải ướt giống nhau, nhưng hồ bù đỏ ở Tân Rai an toàn hơn ở Hungary. Hồ bùn đỏ được thiết kế chống thấm bao gồm, dưới nền hồ là lớp á sét được lu lèn 250mm, trên lớp này là 2 lớp vải địa kỹ thuật, giữa 2 lớp vải kỹ thuật có 1 lớp màng chống thấm bằng polyethylene mật độ cao, trên cùng là lớp thoát nước ngấm bằng cát hạt thô dày 60cm với ống thu hồi nước. Với kết cấu như vậy, lớp chống thấm đảm bảo ngăn ngừa sự thẩm thấu của dung dịch thải kèm bùn đỏ ra bên ngoài hồ chứa. Bùn đỏ sau khi thải đầy mỗi khoang sẽ được tiến hành chôn lấp an toàn với các giải pháp hoàn nguyên lấp đất dày khoảng 1m và phủ lớp chống thấm (bentonit) để ngăn bốc hơi từ hồ và ngăn nước mưa thấm xuống. Sau khi hoàn nguyên chúng tôi sẽ tiến hành trồng cây, cỏ chống xói mòn nhằm đảm bảo cảnh quan khu vực dự án. 

* Ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng

Phải đặt tiêu chí đảm bảo môi trường lên hàng đầu trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành dự án

Trong quá trình khai thác, sản xuất Alumin TKV sẽ phải sử dụng nhiều đến hóa chất mà chủ yếu là lượng xút (NaOH) để tuyển quặng. Bùn đỏ nguy hại ở chỗ là lượng xút dư sau khi tuyển quặng khi thải ra sẽ làm tăng độ pH của nước, vì vậy nếu không đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu sẽ không tránh khỏi những hậu quả khó lường về sau. Với công nghệ ngâm, hòa tách trên nhiều công đoạn, khi cho ra sản phẩm Alumin sẽ có những chất thải có thành phần xút khá cao với độ pH từ 10 - 11, ngoài ra còn có một số kim loại nặng như bô xít sắt có thể gây độc hại đến môi trường, nhất là khu vực của hồ bùn đỏ. Công nghệ sản xuất dù ướt hay khô thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường không khí và môi trường đất nếu không được chủ đầu tư quan tâm đầu tư đúng mức. Nhận thức được tính phức tạp của Dự án Bauxite - Nhôm Tân Rai, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thường xuyên kiểm tra thực địa, xem xét đánh giá nội dung báo cáo tác động môi trường, đồng thời tham giá đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định nhằm nhận diện hết các nguồn gây ô nhiễm, tính đặc thù, đánh giá toàn diện tác động và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả, khả thi nhất cho dự án. Với hồ bùn đỏ ở Tân Rai, chúng tôi đánh giá cao về những phương án mà TKV đang triển khai thực hiện, bởi hồ chứa bùn đỏ được đặt lọt thỏm trong lòng lũng và có những giải pháp xử lý hữu hiệu, giải pháp kỹ thuật hợp lý để tránh tình trạng lan truyền đến khu vực hạ lưu, mà cụ thể là khu vực thác Đam B’ri, sông Đạ Huoai, sông Đồng Nai… nếu có sự cố xảy ra.

* Ông Huỳnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng

Dự án tổ hợp Bauxite - Nhôm Tân Rai sẽ tạo bước đột phá, tăng tốc mới cho ngành Công nghiệp Lâm Đồng

Dự án tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai là dự án đánh dấu sự khởi đầu trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Việt Nam. Dự án có công suất ban đầu sản xuất 650 ngàn tấn Alumin/năm và công suất khai thác quặng nguyên khai từ 1,2 đến 1,5 triệu tấn/năm. Với quy mô khá lớn, khi đi vào hoạt động sẽ mang lại giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 3.500 tỷ/năm (giai đoạn I). Nếu so sánh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng trong năm 2010, đạt khoảng 5.000 tỷ đồng thì mới thấy hiệu quả của dự án mang lại cho ngành công nghiệp tỉnh nhà là rất lớn. Ngoài ra, việc nhà máy đi vào vận hành còn kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ khác phát triển theo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Như vậy, từ năm 2011 trở đi, ngành công nghiệp Lâm Đồng sẽ có bước đột phá, tăng tốc phát triển ngoạn mục nhờ dự án này. Tuy vậy, vấn đề hiện nay mà dư luận đặc biệt quan tâm đó chính là vấn đề môi trường liệu có được đảm bảo sau khi dự án đi vào hoạt động, nhất là sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ xảy ra ở Hungary. Tôi được biết, hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai với Hungary khác nhau ở chỗ là Hungary làm hồ chứa rất lớn, lại nằm ở khu vực đồng bằng, phải xây dựng đê chăn nổi không đảm bảo an toàn, còn hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai nằm trong thung lũng, chia thành nhiều khoang nhỏ nên khi có sự cố, việc chảy tràn ra bên ngoài là rất khó. Tuy nhiên, từ sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, TKV cũng cần chủ động rà soát lại toàn bộ các thiết kế, đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý hữu hiệu nhất nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn đỏ của dự án.

* Ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm

Cần đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa dự án đi vào hoạt động

Nhận thức rõ Tổ hợp dự án Bô xít - Nhôm Tân Rai là một công trình trọng điểm quốc gia, có tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương nói riêng và tỉnh nhà nói chung, thời gian qua chúng tôi đã không ngừng tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong vùng dự án sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thi công các hạng mục của dự án. Nhờ làm tốt công tác dân vận, nên công tác đền bù GPMB của dự án gặp rất nhiều thuận lợi. Hiện chúng tôi đã phối với các ngành, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù và hỗ trợ tái định canh, tái định cư cho khoảng 1.800 hộ; số hộ chưa bàn giao mặt bằng còn  lại khoảng 40 hộ, nguyên nhân chủ yếu là thắc mắc về đơn giá đền bù chưa phù hợp, diện tích đo đạc tính toán còn sai sót… Chúng tôi đang tiếp tục tiến hành đo đạc lại diện tích còn sót nhằm tính đúng, tính đủ cho bà con, đồng thời tích cực vận động, giải thích cho bà con hiểu rõ tầm quan trọng của một dự án trọng điểm quốc gia để sớm giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đối với vấn đề an ninh trật tự trong công trường và tại địa phương không có gì nổi cộm, không để xảy ra tệ nạn xã hội; số lao động Trung Quốc sau khi thi công và hết thời gian lao động sẽ trở về nước nên cũng không có gì đáng lo ngại. Sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary gần đây cũng đã được chúng tôi giải thích kịp thời với bà con nên họ rất an tâm không hoang mang lo lắng. Chúng tôi mong rằng, dự án sớm đi vào hoạt động, tạo tiền đề phát triển các ngành nghề phụ trợ khác cùng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong huyện.
 
Hồng Hải - Hữu Sang - Tuấn Linh (thực hiện)