Tăng cường các giải pháp phòng ngừa rủi ro cho hồ bùn đỏ

04:11, 10/11/2010

Sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, chủ đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và nhà thầu xây dựng CHALIECO đã quyết định tăng cường thêm một số giải pháp an toàn cho hồ chứa bùn đỏ thuộc Dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng (Tân Rai, huyện Bảo Lâm) …

[links()] Sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, chủ đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và nhà thầu xây dựng CHALIECO đã quyết định tăng cường thêm một số giải pháp an toàn cho hồ chứa bùn đỏ thuộc Dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng (Tân Rai, huyện Bảo Lâm) …
 
Toàn cảnh hồ bùn đỏ thuộc dự án tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng.
Toàn cảnh hồ bùn đỏ thuộc dự án tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng.
Dự án tổ hợp bô xít  nhôm Lâm Đồng chọn phương pháp thải bùn đỏ theo công nghệ ướt. Theo đó, toàn bộ dự án sẽ có 2 hồ chứa bùn đỏ: hồ số 1 gồm 8 khoang (mỗi khoang rộng khoảng 16 ha) với dung tích chứa trên 8,35 triệu m3 được sử dụng trong vòng 15 năm, hồ số 2 gồm 19 khoang với dung tích chứa gần 11,4 triệu  m3 và sử dụng trong vòng 21 năm. Ông Lê Văn Thiện - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng cho biết: “Hồ bùn đỏ số 1 được chia làm 8 khoang và hiện tại khoang số 1 và khoang số 2 đang được triển khai xây dựng. Các khoang chứa bùn đỏ được xây dựng và sử dụng theo quy trình “cuốn chiếu”, nghĩa là khi chứa bùn đỏ vào khoang số 1 thì khoang số 2 để dự phòng và bắt đầu xây dựng khoang số 3, sử dụng đến khoang số 2 thì phải có khoang số 3 dự phòng ... Khi sử dụng xong khoang nào và để bùn đỏ khô tự nhiên thì sẽ “đóng” khoang đó. Tại khoang số 4 (hiện cũng đã tiến hành xây dựng) có khu điều hòa trung tâm nhằm mục đích thu hồi lại lượng nước còn lại trong bùn đỏ có chứa hóa chất để đưa về nhà máy. Việc đưa lượng nước này trở lại nhà máy có 2 tác dụng là tận dụng được lượng hóa chất còn trong nước, tiết kiệm chi phí sản xuất và không để lượng nước này chảy ra môi trường gây ô nhiễm”.
 
Do hồ bùn đỏ được thiết kế thấp hơn khu vực xung quanh nên để tránh lượng nước mưa bên ngoài tràn vào thì xung quanh hồ có thiết kế rãnh thu nước, có đai xanh và hàng rào để cách ly với khu vực bên ngoài. Toàn bộ hồ bùn đỏ số 1 được đặt trong thung lũng, xa khu dân cư. Thiết kế chống thấm của hồ bùn đỏ gồm 2 lớp, lớp thoát nước và lớp chống thấm. Mái dốc phía trong của thân đập, đáy hồ và sườn dốc trong hồ đều lát lớp chống thấm và lớp thoát nước. Theo báo cáo  kết quả thẩm định thiết kế của Bộ Công thương, hồ bùn đỏ được thiết kế gồm nhiều lớp: dưới cùng nền hồ là lớp á sét được lu lèn dày 250mm, bên trên lớp này là hai lớp vải địa kỹ thuật, giữa hai lớp vải địa kỹ thuật là lớp màng chống thấm HDPE, trên cùng là một lớp thoát nước ngấm bằng cát hạt thô dày 60cm với những ống thu hồi nước. Sau khi  bùn  đỏ thải đầy mỗi khoang, mặt hồ sẽ được trải thêm một lớp chống thấm để ngăn bốc hơi và nước mưa thấm xuống, sau đó mới lấp đất mặt và trồng cây bên trên để chống xói mòn. Với kết cấu như vậy, lớp chống thấm đảm bảo ngăn ngừa sự thẩm thấu của dung dịch thải kèm theo bùn đỏ  ra ngoài hồ chứa.
 
Với công suất của nhà máy alumin là 650 ngàn tấn/năm thì  lượng bùn đỏ thải ra hàng năm khoảng 14.300 tấn (gồm bùn đỏ khô và dung dịch kèm theo bùn đỏ). Theo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam TKV, thiết kế, công nghệ và vị trí của hồ bùn đỏ thuộc Dự án bô xít Tân Rai được xem xét và tính toán rất kỹ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra với độ dự phòng cao. Tuy nhiên, sau sự cố vỡ đập hồ bùn đỏ ở Hungary, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tập đoàn TKV và nhà thầu xâu dựng tính toán kỹ lưỡng đến mức độ  rủi ro có thể xảy ra và đề ra các biện pháp tăng cường phòng ngừa. Ông Dương Văn Hòa - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV khẳng định: “Không phải khi có sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary thì chúng tôi mới tính đến các giải pháp kỹ thuật để chống tràn, chống thấm và chống nước tràn vào. Bản thân tiêu chí thiết kế hồ bùn đỏ ở bất kể đâu trên thế giới đều phải tính toán đến các tiêu chí kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn rất khắc khe. Chúng tôi nhận thức được đây là vấn đề nghiêm trọng nên chúng tôi hứa sẽ làm nghiêm túc. Việc thiết kế hồ bùn đỏ do Việân Nghiên cứu thiết kế Nhôm - Magiê Thẩm Dương (SAMI) thực hiện, việc giám sát thi công sẽ có 3 thành viên là nhà thấu thiết kế , đơn vị tư vấn và ban quản lý của tập đoàn. Sắp tới, chúng tôi quyết sẽ tìm kiếm thêm những chuyên gia độc lập người Việt để giám sát thi công. Việc thi công hồ bùn đỏ lần này thì khâu giám sát được thực hiện rất chặt chẽ. Chúng tôi coi sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary là một lời cảnh báo nghiêm túc và chúng tôi đã và sẽ tiếp tục rà soát tất cả các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là hồ bùn đỏ, nếu cần bổ sung cái gì thì sẽ bổ sung ngay cái đó. Tập đoàn TKV hoàn toàn không chủ quan và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện thêm”.
 
Alumina được sản xuất bằng công nghệ thủy luyện, trong quá trình sản xuất, bô xít được hòa tách bởi dung dịch kiềm (NaOH). Chất bùn đỏ là cặn không hòa tan trong kiềm và xuất hiện trong quá trình hòa tách bô xít. Theo ông Trần Văn Trạch – chuyên gia hàng đầu về alumin, bùn đỏ chỉ nguy hại khi lượng xút dư sau khi tuyển quặng thải vào nguồn nước sẽ làm tăng độ PH trong nước. Công nghệ thải ướt áp dụng tại hồ bùn đỏ Tân Rai là một công nghệ tiên tiến, có thể thu hồi một lượng lớn xút còn tồn dư trong bùn.
 
Hữu Sang - Hồng Hải - Tuấn Linh