Vững bước Tu Tra

09:11, 05/11/2010

Ba mươi năm rồi chứ không ít, từng nghe Tu Tra nhiều đổi mới nhưng tháng 10 qua, tôi mới có dịp về. Từ quốc lộ 27, ô tô chạy trên chục cây số đường nhựa xuôi ngược xe tải, công nông, xe máy qua lại thì đến tận trụ sở xã. Đang mùa mưa, đồi nương xanh màu cây trái. Trung tâm xã mọc lên nhiều nhà tầng, hiệu tạp hóa, quầy hàng dịch vụ vật tư nông nghiệp…

VÀO NHỮNG NĂM 80 THẾ KỶ TRƯỚC, ĐI CÔNG TÁC Ở HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TÔI THƯỜNG GHÉ THĂM MẤY CÔ BẠN DẠY HỌC Ở XÃ KA ĐƠN. THỜI ẤY TỪ THẠNH MỸ CHỈ CÓ CÁCH DUY NHẤT LÀ CÀY “XE CỦA BỘ”, NHẤT LÀ MÙA MƯA THÌ TRẦY TRẬT “NỖI ĐOẠN TRƯỜNG” LẮM… CẢM THÔNG VỚI HOÀN CẢNH NHÀ GIÁO ĐANG QUEN CHỐN THỊ THÀNH NAY VỀ SỐNG THIẾU THỐN, TẠM BỢ NHƯNG VẪN BÁM TRƯỜNG, BÁM CON EM ĐỒNG BÀO K’HO, CHIL… ĐỂ DẠY “CÁI CHỮ”… THẾ NHƯNG CÁC CÔ NÓI VỚI TÔI: BỌN EM HƠN HẲN MẤY THẦY CÔ XÃ TU TRA. BÊN ẤY KHÔNG CHỈ NGHÈO KHỔ MÀ… FULRÔ QUẬY PHÁ LẮM.

Ba mươi năm rồi chứ không ít, từng nghe Tu Tra nhiều đổi mới nhưng tháng 10 qua, tôi mới có dịp về. Từ quốc lộ 27, ô tô chạy trên chục cây số đường nhựa xuôi ngược xe tải, công nông, xe máy qua lại thì đến tận trụ sở xã. Đang mùa mưa, đồi nương xanh màu cây trái. Trung tâm xã mọc lên nhiều nhà tầng, hiệu tạp hóa, quầy hàng dịch vụ vật tư nông nghiệp…Bí thư Đảng ủy xã Trần Quang Tuấn cho biết: Tu Tra là xã vùng sâu, vùng xa nhất huyện. Có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 40% diện tích đất nông nghiệp của tòan huyện thế nhưng Tu Tra mới thoát khỏi diện “135” được 2 năm, đến nay xã vẫn chưa có chợ…!

Công ty Thắng Đạt sản xuất gạch Tuy - nen đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 120 lao động DTTS ở Tu Tra.
Công ty Thắng Đạt sản xuất gạch Tuy - nen đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 120 lao động DTTS ở Tu Tra.
Trước những thông tin có vẻ mâu thuẫn ấy, tôi tìm hiểu và được đồng chí Nguyễn Thái On – Bí thư Huyện ủy giải thích: Giàu tiềm năng sản xuất nông nghiệp nhưng có một thời Tu Tra nằm trong diện xã nghèo cũng phải thôi. Trăm sự tại nhân, vấn đề đặt ra là cán bộ. Anh hình dung nhé: Tu Tra là địa bàn rộng, có gần 2.680 hộ với trên 12.000 khẩu (đồng bào dân tộc K’Ho, Chil, Churu… chiếm 2/3) sinh sống ở 14 thôn xa cách nhau. Sau giải phóng, do trình độ dân trí không đồng đều, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống sinh họat và sản xuất, mặt khác đồng bào dân tộc thiểu số còn nặng tư tưởng bảo thủ, ỷ lại nên việc tạo “hình vóc” như hiện nay là cả một chặng đường kiên nhẫn.

Trước đây, nóng lòng với tình trạng trì trệ của xã nên huyện đã tăng cường cán bộ vào làm Bí thư Đảng ủy… để 10 năm trời mới phát triển được 2 đảng viên. Đây cũng là bài học kinh nghiệm lớn trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở đối với chúng tôi. Từ khi chọn được nòng cốt, tập trung bồi dưỡng và mạnh dạn giao trách nhiệm cho cán bộ tại chỗ thì lại khác. Hệ thống chính trị nhanh chóng được củng cố, kiện toàn, phong trào các tổ chức và đoàn thể đi lên. Nhất là giai đoạn 2005 – 2010, Đảng bộ xã đã có sự nỗ lực lớn trong công tác xây dựng Đảng và lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Như thuộc lòng bàn tay, Bí thư Huyện ủy say sưa  nói tíếp: Do có chuyển biến, đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng ủy đã hướng về cơ sở, lấy cơ sở là địa bàn hoạt động nên nếu năm 2006, Tu Tra mới có 49 đảng viên thì năm nay phát triển lên 99 đồng chí, tăng 50 đảng viên. Năm 2007 xóa được thôn, buôn trắng không có đảng viên; có lên 17 chi bộ trực thuộc. Với nội lực mới, tin rằng Tu Tra sẽ vững bước phấn đấu trở thành một xã trù phú của huyện.

Điều kiện nào để Tu Tra “tăng tốc” thoát nghèo? Với âm sắc dứt khoát của người xứ Quảng miền Trung, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Phải quyết tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi! Chính vì vậy, mấy năm qua, Đảng bộ xã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị dồn lực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chương trình vận dụng khoa học – kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Đến nay, bà con chuyển đổi toàn bộ giống địa phương sang các giống lúa lai, bắp lai; sin hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo. Xã có HTX chăn nuôi bò sữa với 500 con đang trở thành mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng đối với trên 167 ha rau hoa thương phẩm, trong đó có 24 ha nhà lưới và phủ bạt… Do đó, nâng mức thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác lên khá cao. Đối với rau hoa thương phẩm, bình quân đạt 70 – 100 triệu / ha/ năm. Trước canh tác giống lúa cũ chỉ đạt 1,8 – 2 tấn nay sang giống mới cho năng suất 5 tấn/ha nên bà con phấn khởi lắm! Ban đầu vận động đồng bào dân tộc thiểu số không dễ đâu. Với quan điểm phải sát dân, Đảng ủy và chính quyền xã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn để làm công tác dân vận, công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, cán bộ cốt cán là người dân tộc tại chỗ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tích cực của già làng, nhân sĩ trí thức và nhất là Hội đồng tự quản để triển khai cuộc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách thuyết phục. Công tác khuyến nông, trình diễn đầu bờ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cũng được huyện, xã quan tâm nên bà con rất tin tưởng vào “cuộc cách mạng xanh” tại thôn buôn! Không chỉ “tự lực cánh sinh” mà Tu Tra còn biết phát huy ngọai lực để “tăng tốc” kinh tế - xã hội như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào sản xuất rau hoa, sản xuất gạch ngói tuy nen… nhằm có cơ hội tiếp thu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác tiến bộ; giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân.

Tu Tra chuyển mình bước vào cuộc sống mới, điều này có thể minh chứng qua các con số?
 
5 năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 11 – 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 14 triệu đồng vào năm 2010 (năm 2007 mới 6,8 triệu đồng) – với gương mặt không dấu nổi hưng phấn, Bí thư Đảng ủy xã tiếp tục: Năm 2007, chúng tôi có gần 37,9% hộ nghèo (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,76%) nhưng nay giảm xuống 18,7% và vùng đồng bào chỉ còn gần 30%. Qua 10 năm thực hiện các chương trình 134, 135, quyết định 167 CP và chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, đồng bào nghèo trong xã cũng đã có được 557 căn nhà mới. Kinh tế dần phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân xây dựng đời sống mới. Năm 2007, toàn xã có  trên 68% hộ đạt gia đình văn hóa, năm nay lên 73% và 14/14 thôn đã đạt thôn văn hóa. 

Chia tay Tu Tra với niềm vui vì tuy hiện tại và phía trước vẫn còn không ít gian khó, trở ngại nhưng cuộc sống nơi đây đã khẳng định những yếu tố, nhân tố tích cực cho công cuộc dựng xây một đời sống tốt đẹp, đổi thay một vùng sâu vùng xa, vùng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số vốn bao đời lam lũ, lạc hậu! – Tôi thêm thấm thía câu nhận xét của Bí thư Huyện ủy: “Trăm sự tại nhân”!   
Bình Nguyên