20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

02:12, 29/12/2022
(LĐ online) - Sáng 29/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính Phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 
 
Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh lâm Đồng
Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh lâm Đồng
 
Hội nghị kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị với sự tham dự của cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, các huyện, thành phố và lãnh Huyện uỷ, UBND các huyện thành phố.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội – bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã xây dựng được mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam; tập trung huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. 
 
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn, giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 
 
Lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tham dự hội nghị
Lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tham dự hội nghị
 
Từ những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, có thể khẳng định chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; “là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực”, là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới. 
 
Mặc dù kinh tế của đất nước và nhiều địa phương còn khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tập trung khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo, phù hợp; tạo nguồn lực lớn để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.
 
Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo; từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết sử dụng vốn đến mạnh dạn tiếp cận vốn vay, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. 
 
Lãnh đạo các sở ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham dự hội nghị
Lãnh đạo các sở ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham dự hội nghị
 
Cụ thể, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.
 
Với những thành tích đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2004; Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2014, 2015, 2016, 2017 và năm 2018; Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008, hạng Nhì năm 2013; Huân chương lao động hạng Nhì năm 2006, hạng Nhất 2017. Năm 2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. 
 
NGUYỄN NGHĨA