Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Với nhiều sách lược dài hơi, việc cải thiện môi trường đầu tư và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được tỉnh chú trọng thực hiện nhằm khai thác lợi thế so sánh của địa phương.
|
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt đóng góp lớn vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành Dệt may tỉnh. Ảnh: Hoàng Sa |
•
CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Lâm Đồng xác định thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách thì việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa huy động và khơi thông nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và nhà đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 180 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 13.935 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện 1.767 ha; trong đó, có 89 dự án đã đi vào hoạt động (67 dự án đã hoàn thành toàn bộ, 22 dự án đã hoàn thành một phần), 18 dự án đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, 73 dự án đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Các dự án đầu tư đã góp phần vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đóng góp vào thu ngân sách của địa phương, thay đổi đời sống của Nhân dân.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 38 dự án được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vốn đăng ký khoảng 20.638 tỷ đồng, tổng diện tích 537 ha. Bên cạnh đó, nhiều đồ án quy hoạch, như quy hoạch xây dựng vùng huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Lâm Hà; quy hoạch chung thị trấn Di Linh; các đồ án quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để tăng cường quản lý và thu hút các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Sơn Điền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Lâm Đồng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và dự án kêu gọi đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch quan trọng, bao gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận; tập trung hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040.
Tỉnh xác định sẽ thu hút đầu tư theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành kinh tế động lực, các ngành khai thác lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia trong và ngoài nước có định hướng, chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài với các chính sách ưu đãi đầu tư.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục cơ cấu lại các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện các biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn. Đặc biệt, kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với các dự án không có khả năng triển khai, các dự án lập thủ tục để giữ đất, các dự án vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, lâm nghiệp và các quy định pháp luật.
•
NÂNG CAO NĂNG LỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Lâm Đồng định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh (trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia, quốc tế); phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng chất lượng cao và bền vững (TP Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia, quốc tế); phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp mũi nhọn, chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.
UBND tỉnh đã ban hành các thủ tục, văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai đồng thời nhiều thủ tục, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp như: Danh mục một số thủ tục hành chính thực hiện cắt, giảm thời gian giải quyết để tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư, trình tự thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện thủ tục gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đồng thời với thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.
Ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho hay, những năm qua, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế; đảm bảo cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Lâm Đồng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; tăng cường công khai, minh bạch và cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin về chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tìm hiểu, đầu tư vào địa phương. Thúc đẩy mạnh mẽ sáng tạo, khởi nghiệp, chú trọng thu hút nhà đầu tư chiến lược; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có tiềm năng đóng góp và tạo sức lan tỏa cao.
DIỄM THƯƠNG