Cần các giải pháp điều hành, ổn định giá

06:12, 06/12/2022
(LĐ online) - Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh là nhận định về tình hình kinh tế của Việt Nam từ Ngân hàng Thế giới (WB), tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô được công bố vào đầu tháng 11. Cũng theo WB, diễn tiến của tình hình này đến từ việc sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt, gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát tăng, điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng và tác động đến sức cầu trong nước trong vài tháng tới.
 
Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 4,8%, là mức thấp nhất trong 12 tháng qua là một chỉ số về một trong những lực cản mà WB đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó là những chỉ số đang quan tâm khác như lạm phát tăng từ 3,9% lên 4,3% (từ tháng 9 sang tháng 10, tính theo chỉ số giá tiêu dùng). Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng từ 4,95% trong tháng 9 lên 5,8% trong tháng 10. Khối lượng trái phiếu chính phủ trong 10 tháng đầu năm chỉ đạt 34,9% (năm 2021 đạt 72,5%).
 
Trong khi doanh số bán lẻ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, tăng trưởng xuất khẩu công nghiệp cũng chững lại do sức cầu từ bên ngoài yếu. Đặt trong 2 tháng gần nhất là tháng 9 và tháng 10, với chỉ số 10,3% và 6,3% (theo thứ tự), chúng ta sẽ thấy ngay điều này. Lĩnh vực chế tạo, chế biến trong tháng 9 và tháng 10 cũng giảm từ 52,5% xuống 50,6%. Mặc dù chỉ số này vẫn trên mốc 50% nhưng đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Ngay trong du lịch, lĩnh vực mà chúng ta có những bật tăng mạnh mẽ kể từ sau đại dịch COVID-19 được kiểm soát cũng đã đi ngang trong 2 tháng vừa qua nhưng cũng chưa đạt tỷ lệ 1/3 so với tháng 10/2019…
 
Về cân đối ngân sách, theo WB, dù tháng 10 có ghi nhận bội thu ở mức 0,2 tỷ USD sau khi rớt nhẹ xuống ngưỡng bội chi trong tháng 9 trước đó, nhưng năm 2022 cũng ghi nhận lần đầu tiên thu ngân sách giảm.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một số điểm sáng khi số giải ngân FDI vẫn đang duy trì tăng trưởng. Số vốn FDI bật tăng ở mức 122% so với cùng kỳ nhờ dòng vốn từ sản xuất cơ sở kinh doanh mới trong các lĩnh vực điện, khí và cấp nước. Bên cạnh đó là những thước đo khác khi giá xăng, giá thép, giá than… có phần hạ nhiệt. Ngay cả tăng trưởng tín dụng cũng đã bắt đầu có sự hạ nhiệt (so với trước đó), cho dù vẫn còn ở mức cao…
 
Chính phủ cũng đang ráo riết thực hiện các giải pháp điều hành, ổn định giá, nới room tín dụng ở một số ngân hàng cho một số hạng mục cho vay cụ thể, có kiểm soát, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều ngân hàng tiếp tục lên kế hoạch hút thêm vốn ngoại để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh, cũng như đáp ứng các chuẩn mực quốc tế…
 
Đây là những nỗ lực từ các phía, các kênh và diện quản lý, điều hành để cùng vượt qua được những áp lực đang phải đối mặt, cả từ Chính phủ đến địa phương.
 
  YÊN MINH