(LĐ online) - Có 29 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 đã được ký kết giữa các doanh nghiệp, địa phương tại Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.
Để hiện thực hóa những ký kết này, cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với những kỳ vọng mạnh mẽ vào tiến trình hợp tác vùng Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh đến năm 2025.
* Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op: Dư địa phát triển cho vùng Tây Nguyên còn nhiều
Hiện nay, nhu cầu của TP Hồ Chí Minh cũng như hệ thống Saigon Co.op còn rất lớn, nguồn rau củ quả chỉ riêng Lâm Đồng cung cấp cho thành phố chỉ mới khoảng 50% và dư địa còn rất nhiều. Kỳ vọng trong sự phối hợp phát triển này, cùng với vùng Tây Nguyên sẽ tăng cường sự cùng chung tay, cam kết đảm bảo phục vụ người dân tốt nhất, chất lượng tốt nhất.
Từ 2007 đến nay, Co.op Mart phủ sóng khắp khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, so sánh với tiềm năng vẫn chưa tương xứng, tỉ trọng thương mại trong ngành bán lẻ còn thấp. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, đặc biệt năm 2023, nền kinh tế được dự đoán còn nhiều khó khăn sẽ là thách thức lớn.
Năm 2022 vừa qua, xu hướng người tiêu dùng thay đổi từ “ăn ngon sang ăn an toàn”, chất lượng hàng hóa trở thành vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Chúng tôi mong rằng thông qua chương trình ký kết hợp tác này, các địa phương nói chung và doanh nghiệp nói riêng nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm với cộng đồng, cùng phát triển bền vững gắn với lợi ích của người tiêu dùng.
Với điều kiện của vùng Tây Nguyên là thuận lợi để chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc, thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này với ngành công thương các tỉnh Tây Nguyên để tổ chức xây dựng theo chiến lược 2023 – 2027, đầu tư các dự án mới, đưa nơi đây trở thành vùng nguyên liệu sạch cho hệ thống bán lẻ của chúng tôi.
* Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Giám đốc công ty TNHH Trà Atiso Ngọc Duy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Lâm Đồng: Giải pháp liên kết tiêu thụ nông sản trong thời gian tới chính là văn hóa hợp tác - văn hóa liên kết
Cùng tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa riêng để phát triển. Vậy “văn hóa hợp tác” và “văn hóa liên kết” để tạo ra một chuỗi giá trị cao là điều mà các doanh nghiệp cần hướng đến.
Phía lãnh đạo, chính quyền cần tập trung vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp - thương mại hàng nông sản theo hướng tập trung vào các mô hình liên kết, vùng chuyên canh có diện tích lớn. Xây dựng chính sách và môi trường pháp lý bảo vệ sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - thương mại.
Về phía TP Hồ Chí Minh, cần có chính sách hỗ trợ liên kết vùng giữa các đơn vị sản xuất, chế biến với đơn vị thu mua phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản, tăng cường công tác kiểm tra hàng giả, sản phẩm hàng nhái nông sản Lâm Đồng, qua đó hỗ trợ ổn định thị trường, tạo lòng tin cho người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh ưu tiên tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng một không gian trưng bày sản phẩm để chúng tôi đem các sản phẩm gần gũi hơn với người tiêu dùng cũng như khẳng định được nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm Lâm Đồng.
Với cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng, chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một nền văn hóa hợp tác và liên kết để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cùng nhau xúc tiến thương mại, cùng nhau xây dựng thương hiệu để chiết giảm chi phí và đạt hiệu quả cao hơn.
* Ông Phan Thanh Thiên - Tổng Giám đốc Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh, Chủ tịch hội Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Gia Lai: Cần tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho doah nghiệp
Tây Nguyên có khí hậu tốt để khai thác và trồng dược liệu, TP Hồ Chí Minh là thị trường lớn nhất tiêu thụ cũng như kết nối liên kết vùng dược liệu Tây Nguyên.
Chúng tôi mong muốn từ chương trình hợp tác phát triển này, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều hơn nữa, tạo ra hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạng đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp kết nối với nhau.
Mong rằng sau hội nghị này sẽ có hội nghị kết nối doanh nhân trẻ của 6 địa phương, từ đó làm đầu mối kết nối, tạo sự liên kết chặt chẽ và bền vững.
* Bà Hồ Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Lâm Thịnh, tỉnh Kon Tum: Mong muốn sản phẩm tiếp cận đến thị trường mục tiêu nhiều hơn
Hiện nay, các doanh nghiệp Kon Tum đang phát triển chế biến sâu, đặc biệt là khoa học công nghệ như sâm ngọc linh, mắc ca, đẳng sâm… Kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước, đặc biệt là thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh là mục tiêu phát triển của chúng tôi, thông qua chương trình kết nối này, hy vọng các sản phẩm của Kon Tum sẽ tiếp cận được nhiều hơn đến khách hàng, nhất là các thủ tục hồ sơ để đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ với các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Vị trí của chúng tôi trong các hệ thống bán lẻ vẫn chưa nhiều, mong rằng các sản phẩm đặc trưng địa phương sẽ được được tạo nhiều điều kiện hơn nữa để đến với thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh.
* Ông Nguyễn Đức - Phó Giám đốc Chi nhánh Du lịch và khách sạn Biệt Điện, tỉnh Đắk Lắk: Định vị thương hiệu du lịch vùng Tây Nguyên
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng là một loại hình du lịch đang là tiềm năng của Tây Nguyên. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế, cần sự liên kết vùng để cùng nhau phát triển văn hóa Tây Nguyên với các giá trị bản sắc mà loại hình này mang lại.
Chúng tôi hy vọng có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh để được xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án, đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức liên kết các doanh nghiệp du lịch; đồng thời, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp tham gia liên kết này.
Gắn chặt bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng chính sách quản lý, từng bước định vị thương hiệu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các tour, tuyến để đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các địa phương.
* Ông Lê Tấn Hòa - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đak Mil, tỉnh Đắk Nông: Liên kết vùng là "chìa khóa" phát triển bền vững
Cần tăng cường liên kết từ nội bộ vùng; hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa, các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của từng địa phương.
Tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công - nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia; từ đó tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng.
Cụ thể là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành nông nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng.
Nếu làm được điều này sẽ góp phần tăng cường, hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong vùng và TP Hồ Chí Minh, xa hơn là thúc đẩy sự hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hơn.
DIỄM THƯƠNG - LINH ĐAN