Đam Rông: Phấn đấu sớm về đích nông thôn mới

06:12, 19/12/2022
Năm 2022, với quyết tâm chính trị cao, huyện Đam Rông đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra.
 
Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Đam Rông có 600 ha cà phê được ghép, cải tạo, góp phần nâng cao thu nhập người dân
Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Đam Rông có 600 ha cà phê được ghép, cải tạo, góp phần nâng cao thu nhập người dân
 
Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới năm 2022 là trên 1.751 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 44 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 24 tỷ đồng, vốn huy động trong Nhân dân trên 6,5 tỷ đồng (bao gồm đóng góp tiền mặt, hiến đất, hiến cây trồng), vốn tín dụng trên 1,6 tỷ đồng. Đến giữa tháng 11, huyện Đam Rông đã giải ngân được 52,45% kế hoạch vốn.
 
Huyện Đam Rông hiện có 4/8 xã đạt 19/19 tiêu chí, gồm: Đạ Rsal, Rô Men, Phi Liêng, Đạ K’nàng. Hiện, 4 xã này đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, xã Liêng Srônh đạt 18/19 tiêu chí, xã Đạ Long đạt 16/19 tiêu chí, xã Đạ M’rông đạt 17/19 tiêu chí. Các xã trên đều đạt được thêm 1 tiêu chí so với năm 2021. 
 
Riêng xã Đạ Tông, ngoài nỗ lực rất lớn của địa phương, huyện Đam Rông cũng đã tập trung nguồn lực để “tiếp sức” với quyết tâm đưa địa phương này về đích nông thôn mới trong năm 2022. Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay, xã Đạ Tông chỉ đạt 18/19 tiêu chí, tiêu chí chưa đạt là tiêu chí số 11: nghèo đa chiều. Do vậy, xã Đạ Tông chưa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. UBND huyện Đam Rông cũng đã có tờ trình để điều chỉnh nhiệm vụ “Xây dựng xã Đạ Tông đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022” sang thực hiện năm 2023.
 
Đến nay, Huyện Đam Rông đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, gồm các tiêu chí: quy hoạch; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Các tiêu chí còn lại vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Trong đó, cơ bản các tiêu chí đã đạt trên 50%, riêng tiêu chí giao thông hiện đang thấp nhất với tỷ lệ đạt chỉ chiếm 25%.
 
Với việc nỗ lực xây dựng nông thôn mới, bộ mặt huyện Đam Rông từng bước được khởi sắc. Các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư, nâng cấp phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến nay, huyện Đam Rông đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 38 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, 27 công trình giao thông, 6 công trình văn hóa, 1 công trình thủy lợi, 4 công trình điện nông thôn. 
 
Thông qua đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần tác động, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là sản xuất nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển; cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
 
Nhằm thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Đam Rông đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: thâm canh, ghép cải tạo cà phê; trồng cây ăn quả (sầu riêng, bơ, mắc ca...) xen vườn cà phê; chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa 1 vụ, ngô kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm; triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... nhằm nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững... Nhờ vậy trong năm 2022, trên địa bàn huyện Đam Rông đã có 600 ha cà phê được ghép, cải tạo; 210 ha cây ăn quả, 240 ha mắc ca, 100 ha dâu tằm được trồng mới. Chăn nuôi phát triển. Đặc biệt, trong năm, trên địa bàn huyện Đam Rông đã thành lập Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông và hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Sầu riêng Đam Rông. Toàn huyện Đam Rông hiện có 11 chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp và có thêm 4 sản phẩm đặc trưng được Hội đồng OCOP huyện đánh giá đạt 3 sao và đang trình UBND tỉnh xét, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. 
 
Giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường được chú trọng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm xây dựng và củng cố nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. An ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định.
 
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế, huyện Đam Rông đã đề ra mục tiêu cụ thể cho năm 2023: Nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 6/8 xã; xã Phi Liêng và Rô Men đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại đạt thêm ít nhất từ 1 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Huyện đạt từ 5 - 7 chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện cũng đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra và sớm đưa địa phương về đích nông thôn mới.
 
NGỌC NGÀ