Cách TP Đà Lạt gần 80 km, ở thôn Đà Thành, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, gia đình ông bà Phạm Công Đắc - Phan Thị Hiền được nhiều người biết đến bởi tư duy làm giàu hiệu quả và thức thời. Với mô hình trồng rau công nghệ cao, mỗi năm ông thu lãi ròng trên 500 triệu đồng, ông cũng là người tiên phong gầy dựng phong trào trồng rau công nghệ cao tại địa phương.
Ông Đắc là người tiên phong trồng rau công nghệ cao tại địa phương |
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đà Loan, trước đây, gia đình lão nông Phạm Công Đắc cũng như bao nông hộ khác tại thôn Đà Thành "trung thành" với cây cà phê nhưng làm mãi không dư. Năm 2017, ông Đắc bàn với vợ tạo bước đột phá về kinh tế gia đình là vay vốn ngân hàng chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng các loại rau công nghệ cao trong nhà kính. "Hồi đó, bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng để đầu tư nhà kính, mua giống về trồng, còn lạ lẫm về kỹ thuật nên cũng lo lắng. Ngoài tìm hiểu từ phương tiện truyền thông thì mình luôn lắng nghe và tham dự đầy đủ các hội thảo đầu bờ, những buổi tập huấn của ngành Nông nghiệp để có kỹ thuật chuyên sâu về làm nông nghiệp công nghệ cao", ông Đắc trải lòng mình với một cảm xúc rất thật từ những ngày đầu trồng rau công nghệ cao như thế.
Đến với vườn rau công nghệ cao của gia đình ông Đắc, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự gọn gàng, nền được trải bạt rất sạch sẽ. Từng hàng dưa leo được trồng trên giá thể bằng xơ dừa với hệ thống tưới tự động bài bản. Vừa thu hoạch dưa leo vừa mời khách ăn thử ngay tại vườn, ông Đắc cho biết, vì trồng trong nhà kính nên dưa leo có thể ăn ngay vì ông hạn chế thấp nhất bón phân hóa học. Hiện nay, với 5.000 m2 nhà kính, ông trồng luân phiên các loại cây như cà chua, dưa leo, ớt chuông trên giá thể. Một năm 2 vụ đối với cà chua, ớt chuông, 3 vụ với dưa leo. Trung bình mỗi sào nhà kính, ông Đắc trồng 3.000 cây giống các loại. Một năm, ông trồng từ 15.000 cây ớt chuông, dưa leo và cà chua. Do được đầu tư bài bản cùng với việc áp dụng khoa học - kĩ thuật trong chăm sóc nên sản lượng vườn rau công nghệ cao của gia đình ông Đắc đạt hiệu quả cao. Trung bình hàng năm, vườn rau công nghệ cao của gia đình ông Đắc thu gần 60 tấn quả các loại, với giá bán tại vườn 8.000 đồng/1 kg dưa leo, 15.000 đồng/1 kg cà chua và 20.000 đồng/1 kg ớt chuông.
Để có được vườn ớt chuông, cà chua, dưa leo trĩu quả đó chính là sự cộng hưởng của đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần dám nghĩ, dám làm của nhà nông Phạm Công Đắc. Từ một người mò mẫm tìm kiếm kiến thức trồng rau ngày đầu, đến nay, ông Đắc đã thành thạo, tự mình làm được mọi thứ. Ông kể vanh vách về kỹ thuật tưới nước, bón phân, cách tận dụng giá thể để trồng luân phiên các loại cây. "Với hệ thống tưới tự động thì mình chủ động trong chăm sóc, một ngày có thể tưới 3 lần, 5 lần có khi cả 8 đến 10 lần tưới tùy vào nhu cầu, từng giai đoạn chứ không nhất thiết phải cố định. Giá thể sau khi trồng cà chua hoặc ớt thì tôi tận dụng chuyển sang trồng dưa leo được thêm 3 lứa. Với cách làm này, tôi đã tiết kiệm được kinh phí mua giá thể mới vừa không tốn công lao động, vận chuyển, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế", ông Phạm Công Đắc nói về cách làm rất riêng trong quá trình trồng, chăm sóc rau công nghệ cao của mình.
Đến tham quan mô hình trồng rau công nghệ cao của gia đình ông Phạm Công Đắc khi mùa dưa leo đang vào vụ thu hoạch. Không khí làm việc khẩn trương, tất bật nơi đây đang hiện hữu. Sản phẩm làm ra được thương lái vào thu mua tận vườn để bỏ mối cho các siêu thị nên ông Đắc không lo đầu ra. Để kịp tiến độ thu hái các loại ớt, cà chua, dưa leo, ngoài lao động của gia đình, ông Đắc còn tạo việc làm thêm cho 4 lao động địa phương và các huyện lân cận với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Là người tiên phong trong trồng rau công nghệ cao tại thôn Đà Thành, hiện nay, ông Phạm Công Đắc không chỉ thành công với mô hình này mà ông còn là "địa chỉ đáng tin cậy" cho nhiều nông hộ đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về trồng rau. Sự thành công của mô hình trồng rau công nghệ cao của gia đình ông Đắc đã bước đầu gầy dựng phong trào trồng rau công nghệ cao tại địa phương. Hiện, có những gia đình đã và đang triển khai mô hình này trong đó anh Hải, anh Bé, anh Khiêm là những điển hình tiêu biểu.
Đến với xã Đà Loan hôm nay, những vườn rau, hoa công nghệ cao không còn là điều gì quá mới mẻ. Điệp khúc nuôi con gì, trồng cây gì đã được người dân cụ thể bằng những mô hình cụ thể. Trên địa bàn toàn xã có 6 ha rau, hoa trồng trong nhà kính, nhà lưới đã được nông dân triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế. Chính quyền xã cũng đang đồng hành với người dân nơi đây trên hành trình áp dụng tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại địa phương.
Ông Lê Văn Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Loan cho biết, hằng năm, Hội Nông dân xã tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, các buổi tập huấn, đề xuất với cấp trên liên hệ và mời các phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về địa phương chuyển giao khoa học - kĩ thuật, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, hiện đại giúp nông dân nắm bắt và tiệm cận với cách thức làm nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó nhân rộng mô hình phù hợp với địa phương, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế".
Chia tay gia đình ông Phạm Công Đắc với hàng loạt ý tưởng và dự định được ông vạch ra. Với mong muốn lan tỏa thêm mô hình này để tiến tới thành lập Tổ liên kết sản xuất công nghệ cao, tin rằng không lâu nữa, Đà Loan sẽ có thêm những mô hình mới, diện tích nông nghiệp công nghệ cao nơi đây sẽ được mở rộng, góp phần làm cho đời sống của người dân được cải thiện, kinh tế - xã hội của địa phương từng bước khởi sắc và phát triển theo chiều hướng tích cực.
THÀNH NAM