Gửi yêu thương vào từng sản phẩm

09:12, 29/12/2022
Thông qua việc chọn lựa nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, ưu tiên nông dân bản địa, sản xuất thủ công, tái sử dụng và kết nối cảm xúc với người tiêu dùng, hộ kinh doanh Thảo Mộc và Gia Vị đã bước đầu tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường; qua đó truyền tải thông điệp về một chu kỳ sản xuất, kinh doanh mới hài hòa lợi nhuận doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội, gìn giữ tài nguyên cho thế hệ sau.
 
Khu trưng bày của doanh hộ Thảo Mộc và Gia Vị tại Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” Lâm Đồng năm 2022
Khu trưng bày của doanh hộ Thảo Mộc và Gia Vị tại Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” Lâm Đồng năm 2022
 
Đến với Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Lâm Đồng vào cuối tháng 6 vừa rồi, quan khách không khỏi không ấn tượng với những bánh xà phòng được đóng gói tinh tế, tỉ mỉ bằng giấy hoa hay những mẫu sáp hoa với hương thơm dịu nhẹ của hộ kinh doanh Thảo Mộc và Gia Vị - còn được gọi là Herb ‘n Spice, một trong những đơn vị đoạt giải tại cuộc thi. Với ba dòng sản phẩm chính - xà phòng, sáp hoa, phụ kiện len, doanh nghiệp hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua việc áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn. 
 
“Hiện tại, các sản phẩm của hộ được phân phối qua các chuỗi kinh doanh sản phẩm bền vững như PUSW, CubicCasa, TUNG dining, New Comer… ở các TP lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh”, chị Phan Lê Nhật Trâm người sáng lập thương hiệu chia sẻ. Khách hàng hầu hết là người sử dụng thường xuyên - thay thế các sản phẩm thương mại công nghiệp hiện có trên thị trường.
 
Nhớ lại cảm hứng khởi nguồn cho hướng kinh doanh mới lạ này, chị Trâm cho biết, gia đình chị có truyền thống Đông y, từ nhỏ được sống giữa thiên nhiên mộc mạc, phảng phất hương thơm hoa cỏ của núi rừng Đà Lạt. Lớn lên, chị theo đuổi chương trình tiến sỹ về tiêu dùng bền vững tại Đại học RMIT Mebourne. Càng đi sâu vào nghiên cứu, chị càng thấy con người chỉ là một phần bé nhỏ, được tự nhiên nuôi dưỡng. Nhưng, xã hội công nghiệp hiện đại lại được vận hành trên nguyên lý văn hóa tiêu dùng; vô hình trung dẫn đến việc khai thác và bạc đãi thiên nhiên quá mức. Biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt là một hệ quả tất yếu. “Mục tiêu của nhãn hiệu là phát triển bền vững, thân thiện môi trường, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng”, chị chia sẻ. 
 
Nhưng, đứng trước thị trường hàng tiêu dùng cạnh tranh khốc liệt, với nhiều tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị hùng mạnh, hộ kinh doanh Thảo Mộc và Gia Vị chọn hướng đi riêng để tồn tại - tập trung vào thị trường ngách. “Khách hàng chính của chúng tôi là thế hệ thiên niên kỷ (Millennials), những người sinh trong giai đoạn 1981 đến 2000 - có ý thức và đòi hỏi cao về trách nhiệm cộng đồng, môi trường và chất lượng sản phẩm”, chi Trâm nói. Vì vậy, gia đình không mở rộng quy mô bừa bãi, sử dụng máy móc, nguyên liệu công nghiệp mà tập trung vào cải tiến chất lượng sản phẩm, tạo dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng.
 
 
Theo đó, các nguyên liệu được chọn lựa đều có nguồn gốc tự nhiên, ưu tiên nông dân địa phương như dầu thông, len móc Đà Lạt, trà xanh Cầu Đất… “Phụ phẩm sản xuất được tái sử dụng; nước thải sau tắm gội có thể dùng để tưới mà không làm thay đổi đặc tính sinh hóa của đất”, chị Trâm cho hay. Sản xuất thủ công cũng là một đặc tính có chủ đích của sản phẩm nhằm tạo nét riêng trong mỗi sản phẩm; qua đó gắn kết cảm xúc với người tiêu dùng. Việc tích hợp mọi quy trình từ lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ được gia đình thực hiện xuyên suốt và nhất quán để tạo sự khác biệt và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 
 
Lý do cho những thành công bước đầu này, có lẽ sau thời gian dài hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa, tự động hóa và sản xuất hàng loạt, nhân loại dần nhận ra những mặt tiêu cực mà văn hóa tiêu dùng nhanh gây ra. Vòng xoáy ham muốn vật chất và tiêu dùng không làm con người hạnh phúc hơn nhưng đã để lại hệ quả tiêu cực với môi trường, hệ sinh thái, cũng như làm cạn kiệt tài nguyên cho thế hệ sau. Vì vậy, sản xuất bền vững và trách nhiệm xã hội không chỉ là yếu tố giúp gia tăng giá trị thương hiệu mà còn là yếu tố sống còn, bắt buộc phải có trong mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào đáp ứng được các yếu tố này sẽ được khách hàng yêu mến và ưu tiên lựa chọn. 
 
Sản phẩm xà phòng, sáp hoa được gói tinh tế và thân thiện với môi trường
Sản phẩm xà phòng, sáp hoa được gói tinh tế và thân thiện với môi trường
 
Nắm bắt xu thế này, hàng loạt dự án và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tái chế rác thải, du lịch canh nông, du lịch văn hóa... liên tục xuất hiện như Dự án HanaDalat của Công ty Cổ phần Hana Dalat, Dự án Amazing Eco-chain của Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Lâm Viên, Dự án Gieo - Nông phẩm miền đất hứa của Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim... Dù quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, các doanh nghiệp này đang vận hành với một chu trình sản xuất và tiêu dùng mới - sử dụng tài nguyên chừng mực, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội.
 
NHẬT QUỲNH