Huyện ủy Lâm Hà đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn. Từ đó, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực tại địa phương có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay.
|
Nhiều lao động của Lâm Hà được đào tạo bài bản và đáp ứng yêu cầu tại địa phương |
Huyện ủy Lâm Hà xác định, đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị. Từ đó, Huyện ủy Lâm Hà đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Cùng với đó, Huyện ủy Lâm Hà cũng chỉ đạo cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong chương trình, kế hoạch hàng năm, 5 năm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác theo dõi, dự báo, xây dựng và tổ chức thực hiện phát triển nguồn nhân lực. Trọng tâm là nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, dịch vụ du lịch và một số ngành lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của huyện. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Lâm Hà cũng chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nghề mà địa phương có lợi thế. Trong đó, cần thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với đào tạo nhân lực. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Một nhiệm vụ, giải pháp nữa là xây dựng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy, thu hút, giữ chân những cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đến làm việc tại Lâm Hà. Khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phát triển nguồn nhân lực.
Đồng chí Hoàng Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Hà cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra yêu cầu trong công tác đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải được tiến hành trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của địa phương. Song song với đó, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, chuyên ngành cũng như những nhiệm vụ, giải pháp và thời gian thực hiện để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn chủ động, phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực huyện Lâm Hà có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và người lao động có phẩm chất và năng lực, có phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp.
Huyện Lâm Hà cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ công chức cấp huyện có trình độ sau đại học đạt từ 15% trở lên, tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học đạt từ 65% trở lên. Bảo đảm hàng năm, cán bộ, công chức các cấp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí, việc làm cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt 65%. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt từ 85 - 86,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ chiếm 23,6%; có 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; khoảng 63,5% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp.
DUY DANH