(LĐ online) - Sáng 30/12, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) tổ chức tổng kết hoạt động năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo 389.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị |
ĐẤU TRANH, BẮT GIỮ NHIỀU CHUYÊN ÁN LỚN
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Văn Cường – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lâm Đồng cho biết: Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, lưu thông, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên các tuyến, đường hàng không và địa bàn nội địa; góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi toàn tỉnh.
Qua đó, các sở, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực ngành phân công phụ trách về thương mại điện tử như: Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh…
Năm 2022, các sở, ngành chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.285 vụ. Trong đó, tổng số vụ vi phạm, xử lý là 2.424 vụ/2.453 đối tượng; vi phạm hành chính 2.401 vụ/2.415 đối tượng. Về xử lý hình sự xử lý 23 vụ/38 đối tượng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 30 tỷ đồng, truy thu thuế trên 62 tỷ đồng.
|
Lãnh đạo các ngành liên quan phát biểu ý kiến |
Riêng lực lượng quản lý thị trường năm 2022 đã tiến hành kiểm tra 1.557 vụ kiểm tra, phát hiện 1.048 vụ vi phạm, xử phạt trên 1,8 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 737 vụ vi phạm về niêm yết giá; 138 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; thương mại điện tử, xử phạt 8 vụ; 4 vụ buôn bán,vận chuyển hàng hàng cấm, hàng giả...
Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng, công an các huyện, thành xây dựng phương án đấu tranh, chuyên án, điều tra, xử lý các vụ vi phạm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực phụ trách. Năm 2022, phát hiện và xử lý 399 vụ vi phạm/428 đối tượng. Xử phạt vi phạm hành chính 377 vụ/391 đối tượng, xử phạt là trên 1,8 tỷ đồng. Xử lý hình sự 22 vụ/37 đối tượng. Cục Thuế tỉnh phát hiện 624 vụ vi phạm, xử phạt trên 19 tỷ đồng.
Các sở, ngành như Sở Y tế phát hiện 116 vụ vi phạm, xử phạt trên 2 tỷ đồng; Sở Công thương 6 vụ vi phạm, xử phạt 220 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện 157 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm trên 1,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm trên 1,9 tỷ đồng; Sở Giao thông Vận tải phát hiện 12 vụ vi phạm, xử phạt trên 108 triệu đồng; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý 10 đối tượng, xử phạt vi phạm trên 142 triệu đồng; Sở Thông tin Truyền thông phát hiện 107 vụ, xử lý 22 vụ vi phạm, xử phạt 321 triệu đồng; Sở Giao thông vận tải 12 vụ vi phạm, xử phạt trên 108 triệu đồng; Hải quan Đà Lạt xử lý 9 vụ việc vi phạm, xử phạt trên 22 triệu đồng; Sở Khoa học và Công nghệ xử lý vi phạm 15 vụ, xử phạt trên 147 triệu đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 6 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt trên 656 triệu đồng, tiền phạt bổ sung truy thu trên 485 triệu đồng;..
TẬP TRUNG CAO ĐIỂM KIỂM TRA TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình kinh tế sẽ phát sinh một số vấn đề. Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ gia tăng đối với các mặt hàng tiêu dùng như: Xăng dầu, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bia, rượu, thuốc lá, đường, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, đồ chơi trẻ em, điện tử, trang thiết bị y tế… Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng tinh vi, bí mật, đặc biệt là vi phạm về thương mại điện tử. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp phòng ngừa cũng như xây dựng phương án đấu tranh kịp thời, hiệu quả đối với loại tội phạm này ngày càng trở nên cấp thiết.
|
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị |
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2022, để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm tố giác các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, đặc biệt là trong hoạt động thương mại điện tử…
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Chất lượng, đo lường, mã hàng hóa, sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Trước mắt, cần tập trung triển khai kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Cục Quản lý thị trường tỉnh (Cơ quan Thường trực 389 tỉnh) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 về việc ban hành Đề án Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra đột xuất và phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra đối với lĩnh vực vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…).
THÂN THU HIỀN