Thay đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời ứng dụng nhiều kỹ thuật mới là hướng đi nhiều nông dân lựa chọn để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tại xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, một nông hộ ứng dụng nuôi vịt trên sàn lưới, kỹ thuật được coi là tiến bộ trong nuôi vịt cao sản.
|
Chị Hoa chăm sóc vịt Cherry |
Chị Vũ Thị Hoa, nông dân Thôn 2, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà gắn bó với việc nuôi vịt cao sản nhiều năm nay. Chị chuyên nuôi giống vịt Cherry, giống vịt có nguồn gốc nhập ngoại, lông trắng, trọng lượng lớn. Cũng như hầu hết các giống vịt có nguồn gốc nước ngoài, vịt Cherry yêu cầu được nuôi nhà kính có mái kín. Tuy nhiên, thay vì nuôi vịt trong các nhà kính trên mặt đất như nhiều nông hộ trong vùng, chị Vũ Thị Hoa đã làm nhà sàn để nuôi vịt theo đúng chuẩn.
Chị Hoa giới thiệu, nhà sàn nuôi vịt được dựng từ khung sắt, trên căng nylon che mưa gió. Xung quanh bịt bằng lưới B40, sàn được lắp đặt đơn giản bằng gỗ, tre. Trên sàn, được phủ một lớp lưới nhựa dày. Vịt được nuôi thả trên lớp lưới và không cần phải trải trấu vì chất thải của vịt rơi thẳng xuống sàn xi măng ở dưới. Chị Hoa cũng chia sẻ, tùy địa hình mà sàn cao hơn mặt đất từ 10 cm trở lên. Như nhà chị, do địa hình dốc nên sàn chênh lệch khá lớn, có chỗ cách mặt đất tới 2 m. Tuy nhiên, chị Hoa đánh giá, sàn cách mặt đất khoảng 50 - 80 cm là hợp lí, vì vừa không quá tốn kém chi phí dựng, vừa dễ dàng thu gom phân vịt.
Để làm nhà sàn nuôi vịt, gia đình chị Vũ Thị Hoa đã bỏ ra một chi phí không nhỏ, tầm trên 500 triệu đồng cho trên 500 m2 chuồng nuôi, chia làm 2 khu: vịt trưởng thành và úm vịt. Tuy đầu tư khá lớn so với nhà kính bình thường chuyên nuôi vịt nhưng làm nhà sàn nuôi vịt mang lại hiệu quả khá cao. Chị Vũ Thị Hoa đánh giá: “Làm nhà sàn thì mình tăng thêm chi phí khoảng 30 - 40% so với làm nhà kính trên mặt đất để nuôi vịt. Nhưng cũng có lợi như không phải trải trấu để thấm phân vịt, không phải dọn dẹp chất thải. Vì chuồng nuôi thoáng nên cũng rất ít mùi hôi từ vịt. Con vịt nuôi trên sàn sạch, tránh được bệnh thối lông bụng, khỏe, lớn nhanh và mã đẹp hơn nuôi trên nền trấu, nên chúng tôi thấy đầu tư xứng đáng”. Và chị Hoa còn thường xuyên thu được lượng chất thải vịt sử dụng cho vườn cà phê, giảm rất nhiều chi phí phân bón.
Theo chị Hoa, khác với các hộ trong khu vực thường nuôi vịt Grimaud, chị nuôi vịt Cherry vì vịt này cũng mau lớn, dáng đẹp. Sau khi nhập vịt 1 ngày tuổi về, chị nuôi trong khu vực úm vịt, có bạt quây, bóng điện sưởi khi trời lạnh và vào thời điểm nóng, có hệ thống lưới đen hạ nhiệt, giúp vịt luôn đảm bảo nhiệt độ ổn định. Sau 20 ngày, chị chuyển từ khu nuôi vịt nhỏ sang khu nuôi vịt trưởng thành với điều kiện nuôi thoải mái hơn. Vịt Cherry trưởng thành trong khoảng thời gian 45 - 50 ngày. Đến lúc xuất chuồng, 1 con vịt Cherry đạt trọng lượng từ 3 - 3,5 kg. Nếu giá bán đạt từ 34 ngàn đồng/kg là người nông dân đã bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, chị Hoa cho biết, thời điểm cuối năm 2022, giá vịt giảm trong khi giá cám cao nên người nông dân khá vất vả.
Ngoài vịt nuôi trên sàn, chị Vũ Thị Hoa còn là nông hộ nuôi gà thả vườn lớn của xã Gia Lâm. Giống gà Jaffa chị chọn nuôi có trọng lượng vừa phải, da vàng, thịt ngon. Chị cũng nhập gà 1 ngày tuổi về nuôi trong chuồng úm, sau khi gà bắt đầu thay lông là chị Hoa nuôi thả bán hoang dã. Gà nuôi trong chuồng hở, sáng tự chạy ra vườn cà phê, tối tự lên chuồng. Ngoài cám, gà kiếm ăn trong vườn, ăn sâu bọ, ăn cỏ, lá cây các loại. Gà được nuôi bán hoang dã trong vườn cà phê 7 sào, không gian thoáng, rộng nên có thể bay, nhảy tự do, thịt chắc và ngọt, ít bệnh. Sau 4 tháng, gà mái trưởng thành trung bình có trọng lượng 2 kg/con, còn gà trống 2,5 kg/con. Gà mái giá 70 ngàn đồng/kg, gà trống 60 ngàn đồng/kg. Chị Hoa cho biết, chăn nuôi vịt Cherry và gà Jaffa mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và tốn ít công chăm sóc.
Anh Đinh Văn Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm đánh giá, gia đình chị Vũ Thị Hoa là nông hộ mạnh dạn tìm tòi, thực hiện các kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ. Do áp dụng kỹ thuật tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, không gian thoáng nên vật nuôi của gia đình khỏe, ít bệnh, là một nông hộ điển hình trong chăn nuôi của địa phương.
DIỆP QUỲNH