Vận động đồng bào DTTS chuyển đổi sản xuất phù hợp

03:12, 16/12/2022
Một phần diện tích đất sình, đất bãi bồi ven sông suối và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả được nông dân, đặc biệt là người DTTS ở xã Phi Liêng (huyện Đam Rông) chuyển sang trồng dâu tằm, mang lại thu nhập cao.
 
Người dân được hướng dẫn quy trình chăm sóc và phát hiện các bệnh trên lá dâu ngay tại vườn
Người dân được hướng dẫn quy trình chăm sóc và phát hiện các bệnh trên lá dâu ngay tại vườn
 
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Liêng cho biết, trong những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã dần được đưa vào phát triển kinh tế hộ gia đình và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích dâu, sản lượng kén tằm. Cùng với mắc ca, cà phê, dâu tằm hứa hẹn sẽ trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương tạo nên chuyển biến trong đời sống kinh tế của người dân.
 
Tính đến nay, toàn xã Phi Liêng có gần 80 ha dâu, với gần 100 hộ trồng dâu, nuôi tằm, trong đó có 50% là đồng bào DTTS. Đối với người đồng bào DTTS ở xã Phi Liêng, dâu tằm là loại cây còn rất mới mẻ. Chính vì thế, từ khi có chủ trương, đến việc đưa các mô hình vào thực tế, công tác vận động người dân đưa vào trồng, là cả một quá trình dài gặp nhiều khó khăn. “Tập quán canh tác của người DTTS và suy nghĩ hạt lúa, hạt ngô mới là yếu tố quyết định cuộc sống. Nhiều người mới chỉ nghe chứ chưa trực tiếp tiếp xúc, còn nhiều e ngại nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để từng bước vận động, đưa bà con đi tham quan, học hỏi các mô hình để khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi”, ông Tùng cho biết thêm. 
 
Từ quá trình vận động của Hội Nông dân, đến nay, trên địa bàn cũng đã thành lập 2 Tổ hợp tác (THT) Trồng dâu nuôi tằm tại thôn Păng Sim và thôn Dơng Glê với tổng số 22 thành viên người K’Ho và một số bà con di cư từ các tỉnh phía Bắc. Từ khi thành lập, THT trở thành nơi sinh hoạt, cũng là địa chỉ thường xuyên để các tổ viên chia sẻ với nhau những khó khăn. 
 
Chị Ka Hiệp - Tổ trưởng THT Trồng dâu nuôi tằm tại thôn Păng Sim cho biết, dù THT thành lập chưa lâu nhưng các tổ viên cũng đã có nhiều hoạt động giúp nhau như chia sẻ lá dâu, hom dâu, chia sẻ kinh nghiệm mỗi khi xuất hiện các vấn đề trong quá trình làm quen với một nghề mới. “Nhà nuôi ít thì nửa hộp, 1 hộp hay nhiều hơn tùy thuộc vào diện tích đất cũng như điều kiện thời tiết. Ban đầu nuôi tằm thì cũng thấy tương đối vất vả, chưa có kinh nghiệm để xử lý các vấn đề trên con tằm. Tuy nhiên do vốn đầu tư ban đầu không nhiều, thu hồi vốn nhanh lại thường xuyên được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên ngày càng nhiều người dân chuyển đổi, từ đó có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”, chị Ka Hiệp cho hay.
 
Theo ông Hoàng Tùng, trước đây, cây dâu được người dân đưa về địa phương nhưng đa phần là tự phát, trứng giống tằm sử dụng trên địa bàn xã chưa được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc nên chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng để phục vụ sản xuất. Công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh trứng giống tằm trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số cơ sở cung ứng giống tằm nhưng còn thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để xây dựng những cơ sở nuôi tằm con tập trung nên chất lượng hoặc hoạt động chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng giống tằm.
 
Cùng với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, hiệu quả kinh tế thấy rõ, nhiều chính sách hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp địa phương cũng đã góp phần thay đổi nhận thức, giúp bà con mạnh dạn hơn trong quá trình chuyển đổi. Trước mắt, Hội Nông dân sẽ hướng dẫn bà con chuyển đổi phần diện tích trên đất sình, đất bãi bồi ven sông suối và chuyển đổi một phần diện tích trồng cà phê, lúa một vụ, hoa màu khác kém hiệu quả cho bà con DTTS tại 6 thôn Thanh Bình, Păng Sim, Dong Glê, Bopla, Đồng Tâm và Bople.
 
Mục tiêu mà Hội Nông dân xã Phi Liêng đặt ra, đó là có thể hình thành các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, để khuyến khích người DTTS chuyển đổi. Từ đó có thể nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ; góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Đồng thời, tiếp tục vận động người dân từ từ tiếp cận với các ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng lá dâu để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất kén tằm.
 
“Hiệu quả sản xuất ngành Dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Chúng tôi cũng hi vọng là việc chuyển đổi các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu, nuôi tằm, sẽ giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương”, ông Hoàng Tùng cho biết thêm.
 
HỒNG THẮM