Lộ trình phát triển nông nghiệp xanh

06:01, 04/01/2023
Theo lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nghiên cứu, lựa chọn xây dựng một số làng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh trở thành mô hình điển hình tiên tiến để nhân rộng trên địa bàn.
 
Đến năm 2030, phấn đấu tổng diện tích cây trồng hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 1.600 ha
Đến năm 2030, phấn đấu tổng diện tích cây trồng hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 1.600 ha
 
Định hướng chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo từng mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người sản xuất và tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng đối với thương hiệu nông sản trên địa bàn.
 
Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt 1.000 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; trên 30% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về an toàn thực phẩm, bền vững. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và nguồn nước; khu vực công trình an ninh, quốc phòng; khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các công trình khác theo quy định của pháp luật. Diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp giảm 20% vùng nội ô các Phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 (TP Đà Lạt) và vùng nội thị các huyện lân cận; đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 giảm dần, tiến tới không còn nhà kính ở nội ô, nội thị. 
 
 Lộ trình đến năm 2030, tổng diện tích cây trồng hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 1.600 ha. Trong đó, diện tích và sản lượng mỗi năm các loại rau, củ, quả (250 ha, 6.500 tấn); cà phê (400 ha, 700 tấn); cây ăn quả (200 ha, 1.300 tấn); lúa (150 ha, 580 tấn); mắc ca (200 ha, 400 tấn); chè (200 ha, 950 tấn); nấm (50 ha, 100 tấn); dược liệu (150 ha, 1.150 tấn). Qua đó, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng 4 - 4,55%; giá trị sản xuất bình quân 250 triệu đồng/ha; thu nhập trên 120 triệu đồng/ha. Đáng kể trong 90.000 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao phấn đấu có ít nhất 3.000 ha nông nghiệp thông minh và nông nghiệp tuần hoàn; đồng thời chiếm tỷ lệ trên 50% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về an toàn thực phẩm, bền vững. Riêng diện tích cây trồng sản xuất kém hiệu quả giảm xuống dưới 2%.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp xanh theo lộ trình đến năm 2030 tiếp tục quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tiên tiến mà không sử dụng nhà kính, hướng đến xây dựng vùng phát triển nông nghiệp du lịch, làng nghề; sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững trong và ngoài đô thị. Trong đó, khuyến khích hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã sản xuất hữu cơ thuận tiện cơ giới hoá, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và hình thành vùng nguyên liệu tập trung. 
 
Giải pháp tiếp theo rà soát, bổ sung quy hoạch nhà kính vào tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của các huyện, thành phố làm cơ sở quản lý, giám sát chặt chẽ tại địa phương. Trên cơ sở các vùng sản xuất hữu cơ được phê duyệt, tiến hành xây dựng các mô hình phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi để nông dân địa phương tiếp cận nhân rộng. Bên cạnh đó, chuyển một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ khi đủ điều kiện và có thị trường đầu ra đảm bảo.
 
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, nhập nội giống cây trồng mới triển vọng canh tác ngoài trời có hiệu quả cao, phù hợp với từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tác nhân sinh học, tiến bộ kỹ thuật mới, giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên cây trồng; chuyển đổi dần diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp dịch vụ, du lịch canh nông, làng nghề; hàng năm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi sản xuất trong nhà kính sang canh tác ngoài trời.
 
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng triển khai nhóm giải pháp xây dựng và phát triển liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ, giữa người sản xuất với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào, liên kết giữa các địa phương với thị trường tiêu thụ để phối hợp quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp xanh trên địa bàn. 
 
Thúc đẩy nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản thông qua chế biến sâu, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả, atiso, hồng sấy,... gắn với xây dựng các chuỗi liên kết tại địa phương để thúc đẩy sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa và xuất khẩu. 
 
VĂN VIỆT