Công ty TNHH Dệt tơ tằm Vietsilk (Công ty Vietsilk) được những người có thâm niên trong ngành Dệt lụa tơ tằm sáng lập từ năm 2012 đã nhanh chóng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tơ lụa Việt Nam, với lợi thế không có đối thủ là sản xuất lụa xuất khẩu sang Nhật để may Kimono và những điều độc đáo khác…
|
Ông Dũng giới thiệu về những loại máy móc dùng trong xưởng dệt Vietsilk |
VẢI MAY ÁO CHO BÁC HỒ
Khi còn làm Trưởng Phòng Kinh doanh và Hợp tác quốc tế kiêm Phó Tổng Giám đốc Viseri, ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1954) có mối quan hệ công việc với đối tác Nhật Bản, ông cũng chú tâm học hỏi kỹ thuật dệt lụa. Do vậy, nhìn nhận xu thế phát triển của ngành Dâu tằm tơ, ngay khi Công ty Viseri giải thể, ông cùng 2 người bạn thành lập Công ty Vietsilk, tiếp tục khai thác đơn đặt hàng của Nhật, với yêu cầu khắt khe về chất lượng, độ mịn, độ dai… của sợi tơ và hoa văn theo mẫu của đối tác. Hiện tại, mỗi ngày, Công ty Vietsilk sản xuất được 170 cây vải lụa tơ tằm theo mẫu đặt hàng, xuất sang Nhật mỗi tháng 1 lần 5.000 cây vải (mỗi cây vải 17 m chiều dài, nặng 1,2 kg - khổ 40 cm), cho doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không chỉ dệt vải may Kimono để xuất sang Nhật, Công ty Vietsilk còn nhận dệt theo đơn đặt hàng của các đối tác khác như Vietnam Silk House với mẫu mã và khổ vải khác nhau. Vì thế, trong nhà xưởng rộng 8.000 m2 của Công ty TNHH Dệt tơ tằm Vietsilk ở TP Bảo Lộc, không chỉ cuộn vải lụa với khổ vải 40 cm, mà còn có những cuộn vải khổ khác. Đặc biệt, những cuộn vải màu hồng khổ 1 m được dựng ngay ngắn. Ông Nguyễn Tiến Dũng tự hào, khoe: “Đó là vải dùng để may áo cho Bác Hồ. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng với chúng tôi để dệt loại lụa này suốt 12 năm qua”.
Ông Dũng tâm sự, vào năm 2009, Nhà nước giao cho Ban Quản lý Lăng đi tìm nơi dệt vải may áo cho Bác Hồ. Họ đã đi suốt con đường tơ lụa thế giới, sang tận Trung Quốc nhưng chưa tìm được loại vải phù hợp. Thế rồi, trong một cuộc gặp gỡ tại Lâm Đồng, ông nhận miếng vải mẫu từ tay cán bộ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó còn là Công ty Liên doanh Dệt tơ tằm Visintex) về nghiên cứu. Không ai hướng dẫn công nghệ dệt cả và từ miếng vải polime mẫu, ông dán vải lên mặt kính, dùng giấy nhám mài cho hết lớp polime, lấy mực dấu bôi lên và nghiên cứu cách dệt vải... Dệt thử và mời Ban Quản lý Lăng vào kiểm chứng đến khi họ xác nhận đúng chất vải thì Công ty chính thức dệt. Từ đó (năm 2010), mỗi năm, Vietsilk sản xuất 30 mét vải khổ 1 m để gởi vào quy trình may áo cho Bác Hồ.
|
Những người thợ xe tơ |
XƯỞNG DỆT LỤA SỐ 1 VIỆT NAM
Không quá, khi khẳng định rằng, Vietsilk là xưởng dệt lụa số 1 Việt Nam, bởi hiện nay là thị trường lụa hẹp quá, thị trường nội địa hầu như không phát triển. Vietsilk mỗi tháng sản xuất được 5.000 cây vải, tương đương khoảng 6 tấn vải. Còn toàn thị trường dệt lụa Bảo Lộc, mỗi tháng sản xuất được khoảng 15 tấn vải.
Ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vietnam Silk House, Giám đốc Công ty Tơ lụa Nhật Minh, cho biết: “Vietsilk là xưởng dệt lụa số 1 Việt Nam, cả về năng suất, công nghệ và chất lượng. Mỗi khi có ý tưởng về mẫu mã mới, tôi đều mang đến Công ty này, vì họ đội ngũ kỹ thuật giỏi để thực hiện và nắm bắt các công nghệ mới. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thiết kế Minh Hạnh thường xuyên đặt hàng làm lụa tại đây”.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, người có nhiều tâm huyết trong việc gầy dựng lại thương hiệu lụa tơ tằm Bảo Lộc, chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu hợp tác với Vietsilk từ năm 2017. Lụa tơ tằm là ngành kinh doanh “nhạy cảm” vì nhắc đến nó là nhắc đến sản phẩm phải thuần tự nhiên, liên quan đến sức khỏe. Tơ lụa đáp ứng được tiêu chí có nguồn gốc là loại sợi tơ tự nhiên cao cấp, sản phẩm lụa mềm mại, đẹp và chất lượng, thì chúng tôi gọi đó là Lụa quân tử”.
Hiện nay, xưởng dệt lụa của Công ty Vietsilk có 100 máy dệt Jacquard khổ hẹp để dệt vải tơ tằm Kimono, có tuổi thọ từ 15 - 70 năm, chạy suốt ngày đêm mà không hỏng hóc gì lớn. Nhà máy làm việc 24/24 giờ, với 150 công nhân chia làm 3 ca (sáng - chiều - đêm) mới đủ sản phẩm để xuất khẩu.
“Hầu như mẫu nào khách hàng đưa, chúng tôi đều tìm cách dệt bằng được. Tuy nhiên, công ty chủ yếu dệt lụa cho đối tác đến từ Nhật Bản. Họ cung cấp mẫu, đề ra quy chuẩn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Dù vậy, chúng tôi phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã. Cuộn vải nào bị lỗi, trầy xước một chút là họ loại ra liền. Họ dùng thiết bị phóng cho sợi tơ to bằng ngón tay để kiểm tra, nên có lỗi là phát hiện ra ngay. Ngoài ra, cứ 3 tháng một lần, đối tác Nhật cử người sang tận nhà máy để kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm”, ông Dũng cho biết.
NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI ĐỨNG MŨI CHỊU SÀO…
Nhà máy Dệt tơ tằm Vietsilk có tổng diện tích 8.000 m
2, tại địa chỉ số 15 Quang Trung, TP Bảo Lộc, là đất có nguồn gốc tôn giáo, nhưng chưa được xác định quyền thuê đất với chính quyền TP Bảo Lộc. Công ty TNHH dệt tơ tằm Vietsilk đã hơn 10 lần làm đơn xin thuê quyền sử dụng và đang chờ được UBND tỉnh xem xét chấp thuận. Tuy không có hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, nhưng công ty đã đóng tiền thuê đất tại Chi cục Thuế khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm theo văn bản của các đơn vị.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Vietsilk, khẳng định: “Nhà máy Dệt tơ tằm Vietsilk là một cơ sở nhiều tiềm năng, một cơ sở lịch sử… Chúng tôi thành công và giữ được uy tín với bạn hàng là nhờ đội ngũ những người có tay nghề cao, gắn bó lâu năm và tâm huyết với nghề, tìm được đối tác tiềm năng từ Nhật Bản. Chúng tôi cũng chinh phục được những bạn hàng khó tính”.
Vì vậy, ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, Công ty Vietsilk vẫn hoạt động suốt ngày đêm. Nhưng, giá tơ bây giờ biến động rất lớn, khiến chi phí tăng cao (lương, điện, nước, sửa chữa, chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển…), nhưng giá bán không đổi. Vì vậy, lãi đối với nghề dệt tơ tằm rất khó. Còn bản thân ông Dũng, dù đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông khẳng định, chưa thể nghỉ được, vì ông đang quản lý 150 con người, 150 gia đình sống với nghề canh cửi.
|
Bộ Kimono được làm từ lụa Vietsilk |
LÊ HOA