Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước và chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng...
[links()]
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước và chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Và, chỉ 2 tháng sau đó (tháng 4/1930) đánh dấu sự ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng (lúc bấy giờ là tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng) gồm 3 đảng viên do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư.
Cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lãnh đạo giành chính quyền, non sông thu về một mối
Trải qua 90 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới, vươn lên trong từng thời kỳ cách mạng; qua đó, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt khó vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.
|
Căn phòng số 2 nhà xe Khách sạn Palace, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng (tháng 4/1930). Ảnh: Tư liệu |
Trở lại với những ngày đầu thành lập chúng tôi được biết, cuối năm 1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Lâm Đồng đã kết nạp thêm 5 đảng viên mới và cấp trên điều động 3 đảng viên từ Ninh Thuận, Khánh Hòa lên, nâng tổng số đảng viên lên 11 đồng chí và chia làm 2 chi bộ: Chi bộ Palace có 5 đảng viên, do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư, hoạt động trong công nhân khách sạn, nhà máy đèn và Chi bộ Cầu Quẹo có 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Sĩ Quế làm Bí thư, hoạt động trong công nhân xây dựng, thợ may.
Giai cấp công nhân từ đây đã có tổ chức tiền phong lãnh đạo phong trào ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh đã đánh dấu sự chuyển biến về ý thức, trình độ giác ngộ, ảnh hưởng lớn về chính trị, tư tưởng trong giai cấp công nhân và Nhân dân, đồng thời gây hoang mang cho chính quyền thực dân Pháp tại Lâm Viên, Đồng Nai Thượng...
Phong trào đấu tranh giành chính quyền ở Lâm Viên, Đồng Nai Thượng thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) diễn ra với bước phát triển mới và có sức mạnh tập hợp, lôi cuốn mạnh mẽ… Qua thực tiễn đấu tranh, giai cấp công nhân đã trưởng thành, đoàn kết, tin tưởng vào sức mạnh của mình và sự lãnh đạo của Đảng, lôi cuốn được các tầng lớp Nhân dân, tác động sâu sắc tới tận những buôn làng, bừng lên khí thế đấu tranh chống giặc ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh, làm cho quân Pháp nhiều phen khiếp sợ.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 4/1945, tổ chức Đảng phân công đảng viên về tỉnh Lâm Viên để xây dựng cơ sở, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945 giành thắng lợi. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Ðồng Nai Thượng được thành lập. Qua thử lửa đã thể hiện rõ nghị lực cách mạng phi thường của đội tiền phong và đạo quân chủ lực của cách mạng. Lần đầu tiên chính quyền thực sự đã về tay Nhân dân bởi Mặt trận Việt Minh chính là Mặt trận của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh đầy hy sinh và vô cùng anh dũng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, là thắng lợi của sức mạnh vô địch từ Nhân dân và Đảng đã thu hút, nhân lên sức mạnh ấy.
Được quân Anh giúp sức dưới danh nghĩa quân đồng minh, thực dân Pháp đã buộc quân Nhật phải giao lại các vùng đang chiếm đóng, tước vũ khí, giải tán lực lượng vũ trang của ta. Cùng với cả nước, Nhân dân tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng lại phải tiến hành cuộc chiến đấu chống Pháp để bảo vệ chính quyền non trẻ và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 22 tháng 2 năm 1951, hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng được hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu. Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, phối hợp với các chiến trường liên khu V và các tỉnh cực Nam Trung Bộ mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt địch, giải phóng một vùng rộng lớn giáp với tỉnh Bình Thuận,... góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20/7/1954), chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng nước ta còn tạm thời chia làm hai miền, nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai để hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân. Trước tình hình đế quốc Mỹ đưa Ngô Ðình Diệm lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam, tiến hành nhiều âm mưu phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời gấp rút xây dựng bộ máy ngụy quyền các cấp, cải tổ ngụy quân làm công cụ thực hiện chính sách thực dân mới.
Để thống nhất sự chỉ đạo đối với chiến trường miền Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, đồng thời đảm bảo yêu cầu củng cố hành lang chiến lược Nam - Bắc và xây dựng căn cứ Nam Tây Nguyên, tháng 7/1961, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu 6 trực thuộc sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam; sau đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng và Tỉnh ủy Tuyên Đức được thành lập. Sau khi được thành lập, Tỉnh ủy hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức đã kịp thời đề ra chủ trương thành lập các tổ chức đảng ở cơ sở, đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng căn cứ, tích cực tăng gia sản xuất, gìn giữ lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài.
Qua 4 năm đương đầu với chiến lược chiến tranh đặc biệt, kết hợp giữa hoạt động vũ trang với đấu tranh chính trị, phong trào cách mạng ở Lâm Đồng - Tuyên Đức đã phát triển lên một bước mới, giành được những thắng lợi quan trọng, mở rộng vùng giải phóng, với việc hình thành 3 vùng căn cứ nổi bật: Xuân Trường, Cầu Đất, Sào Nam, Tây Hồ ở Đà Lạt; Lộc Bắc, Lộc Bảo (Bảo Lâm); Sơn Điền, Gia Bắc ở Di Linh. Phong trào cách mạng địa phương không những được giữ vững trước nhiều âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch mà còn phát triển mạnh mẽ với bước phát triển nhảy vọt tại Lâm Đồng và Tuyên Đức như: phong trào thi đua lực lượng vũ trang Lâm Đồng của Trung đội nữ pháo binh 8/3, phong trào học sinh sinh viên ở Đà Lạt, phong trào đấu tranh trong lòng địch của tù thiếu nhi ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Từ các phong trào này đã góp phần cùng với cả nước khiến đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề và phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu bình định, lấn chiếm của địch, củng cố và xây dựng lực lượng cách mạng bên trong.
Cùng đó, Tỉnh ủy Lâm Ðồng và Tỉnh ủy Tuyên Ðức chỉ đạo các đơn vị vũ trang tỉnh phối hợp với các đơn vị chủ lực của trên khẩn trương chuẩn bị chiến trường, phân công cán bộ xuống các địa bàn, cơ sở bên trong, vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy giành quyền làm chủ khi có thời cơ, góp phần cùng quân dân cả nước giành chiến thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 20 năm chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Trong suốt 45 năm kháng chiến, từ vùng căn cứ giải phóng đến vùng địch tạm kiểm soát hay trong các ngục tù của địch, Nhân dân Lâm Đồng luôn hướng về cách mạng, hướng về lý tưởng độc lập tự do, hướng về Bác Hồ kính yêu.
Đó chính là động lực, là nguồn sức mạnh vô biên, nguồn động viên cổ vũ to lớn để Nhân dân giữ vững niềm tin, đoàn kết keo sơn, đứng vững và vượt qua mọi thử thách, tự nguyện hy sinh vì thắng lợi của cách mạng.
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng là một trong những Đảng bộ có tổ chức đảng ra đời sớm, trải qua nhiều thử thách, tích lũy được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo trong đấu tranh cách mạng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Lâm Đồng vượt qua khó khăn, giành nhiều thắng lợi trong chặng đường cách mạng tiếp theo.
HỒNG VĨNH - VÂN HẢO