Sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Lâm Đồng đã khiến những mảnh đất hoang hóa, khô cằn dần đổi thay...
[links()]
Vượt gian khó, đột phá, tăng tốc phát triển nhanh, bền vững
Sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Lâm Đồng đã khiến những mảnh đất hoang hóa, khô cằn dần đổi thay. Lúa bắp, hoa màu không chỉ giúp người dân vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất mà còn minh chứng cho quá trình biến không thành có từ sức người, trong đó không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
Ngày 6/1/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giải thể tỉnh Thuận Lâm, hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh lúc bấy giờ gồm 28 đồng chí, do đồng chí Trần Lê làm Bí thư. Tỉnh có 52 xã (trong đó có 17 xã vùng căn cứ cũ), 4 huyện và 1 thành phố Đà Lạt.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh thăm trang trại rau của Lâm Đồng - địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: V.Báu |
Những nỗ lực ban đầu
Những khó khăn khi mới thành lập tỉnh cũng như khó khăn chồng chất khó khăn thời hậu chiến tiếp tục đặt lên vai Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng những thử thách nặng nề gắn với chặng đường mười năm (1975-1985) qua 3 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong chặng đường ấy, Đảng bộ luôn tìm tòi, học hỏi những hướng đi, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương trong từng thời điểm cụ thể, lãnh đạo Nhân dân không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tự lực tự cường, nhanh chóng thiết lập, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa kiến thiết xây dựng quê hương, vừa đấu tranh trấn áp các tổ chức phản động, nhất là lực lượng FULRO, từng bước ổn định đời sống Nhân dân… Khí thế xây dựng cuộc sống mới hừng hực khắp các nông - công trường, các khu kinh tế mới.
Năm 1987, vấn đề FULRO cơ bản giải quyết trên phạm vi toàn tỉnh - một thắng lợi có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn đối với địa bàn Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Từ đó, khối đoàn kết dân tộc càng được tăng cường, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội.
Từ ánh sáng cũng như tinh thần đổi mới từ Đại hội VI của Đảng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã tìm ra bài toán đổi mới, từng bước đưa tỉnh nhà vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đây là Đại hội đánh dấu sự lãnh đạo của Đảng bộ triển khai thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Tất cả được minh chứng bằng những đổi thay ở tất cả các mặt đời sống xã hội ngay sau nhiệm kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới. Từ một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, Nhân dân thiếu lương thực… sau ngày Lâm Đồng được giải phóng, thì đến thời điểm này đã có bước chuyển mình rõ nét. Trong nông nghiệp, cây chè, cà phê, dâu tằm, mía, điều phát triển mạnh, diện tích và sản lượng lúa tăng, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, thu hút hàng ngàn lao động. Từng bước thay đổi cơ chế quản lý cũ, bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận Nhân dân được ổn định và cải thiện. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tập trung vào những vấn đề lớn, nắm bắt được yêu cầu của cuộc sống đặt ra và vận dụng được những quan điểm của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương trên cơ sở phát huy dân chủ, công khai hóa, điều đó trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới.
Bài học “lấy dân làm gốc” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đại hội VI tổng kết được Đảng bộ thực hiện đồng bộ, tạo tiền đề cho đổi mới toàn diện ở địa phương. Từ Đại hội VI đến Đại hội VIII đã đánh dấu một chặng đường phát triển và đổi thay toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh với việc cụ thể hóa, sáng tạo trước tình hình mới đưa Lâm Đồng phát triển, đạt những kết quả rõ rệt.
Cùng với cả nước, sau 25 đổi mới, Lâm Đồng đã cơ bản thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực. Lúc bấy giờ, dù tình hình khu vực và trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nhưng Lâm Đồng vẫn có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, thành tựu nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dẫn đầu vùng Tây Nguyên với 14% năm 2010. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.000 USD, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ đều có bước phát triển. Đặc biệt, sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển khá nhanh và tương đối toàn diện, là địa phương đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Càng trải qua những cam go, thử thách, để chèo lái con thuyền của địa phương phát triển, Đảng bộ tỉnh càng chứng tỏ một cách xuất sắc vai trò lãnh đạo của mình, nhất là phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng khởi sắc, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những thành tựu quan trọng đó đã chứng tỏ khả năng vận dụng và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đối với Đảng bộ Lâm Đồng là đúng đắn và sáng tạo, đưa Lâm Đồng từ một tỉnh nghèo chậm phát triển, đến năm 2010 đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.
Từ những kết quả đáng khích lệ, bước vào giai đoạn 2010-2015, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhưng đồng thời cũng đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Với tinh thần của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX: “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định: giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ,... trong đó nhấn mạnh sự đột phá, tăng tốc thông qua các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm.
Thành quả từ sự nỗ lực
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X trong bối cảnh nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh với quyết tâm “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”; luôn chủ động, sáng tạo, lãnh chỉ đạo quyết liệt nên thành quả đạt được rất đáng tự hào.
Nỗ lực ấy, quyết tâm ấy đã giúp kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt trên 8,3%, năm 2019 đạt 8,5%. Thu ngân sách năm 2019 đạt 8.679 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước, năm 2019 đạt 66,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Hầu hết chỉ tiêu nghị quyết hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý là việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng phát huy hiệu quả. Những chính sách tập trung cho chương trình nông nghiệp công nghệ cao thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, các ngành, lĩnh vực thế mạnh tiếp tục khẳng định ưu thế. Bên cạnh đó, du lịch, dịch vụ từng bước nâng cao chất lượng để trở thành ngành kinh tế động lực. Sự phát triển theo hướng chọn lọc, tập trung những ngành, lĩnh vực có lợi thế đã đem lại những bước tiến mới trong công nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, các lĩnh vực văn hóa, xã hội... chuyển biến tích cực; giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, văn hóa, thể thao không ngừng phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. An sinh xã hội được đảm bảo; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định.
Bước vào năm 2019, trước nhiều thách thức, với phương châm “Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột phá, phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”; Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3 năm đạt 4,9%, năm 2019 đạt khoảng 180 triệu đồng/ha. Đặc biệt, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh và tiếp tục khẳng định là địa phương đi đầu cả nước. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đến nay đạt gần 60.000 ha.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ và thực sự đã trở thành phong trào sâu rộng, thành ý thức tự giác của người dân. Cuối năm 2019, số xã đạt tiêu chí xây dựng NTM vượt mục tiêu Chính phủ đến 2020, lũy kế toàn tỉnh có 100/116 xã, đạt trên 86,2%, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ đề ra, bình quân đạt trên 18,5 tiêu chí/xã, có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Đơn Dương đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Lâm Đồng cũng là một trong 10 địa phương được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc trong phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khởi sắc, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 8,6%, năm 2019, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp đạt 11,2%. Công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển hạ tầng với việc tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm 2016 - 2018 đạt trên 71.500 tỷ đồng. Riêng năm 2019, con số này là 30.500 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2018). Tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 trên 11.770 tỷ đồng.
Các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Việc tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách bảo hiểm y tế, tín dụng, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, trồng rừng, chăm sóc rừng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,85%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 6,5%…
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển. Dịch vụ du lịch phát triển tốt; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư nâng cấp, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ, quan tâm đến vệ sinh môi trường. Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng không ngừng được tăng lên, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 8,42%; năm 2019 đạt 7.160 ngàn lượt, tăng 10,1% so 2018.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa, từng bước đi vào chiều sâu, bản sắc văn hóa truyền thống được phát huy, giữ gìn. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, các chương trình an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm thực hiện; tỉnh tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc...
Thành tựu của chặng đường đổi mới và vững bước bắt nguồn từ chính công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị với nhiều đổi mới, tập trung bám sát cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; trọng tâm là nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảm bảo tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Quá trình tổ chức thực hiện gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… từ đó tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó là sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, nên đã đạt nhiều kết quả tích cực; từ đó, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, HĐND các cấp đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và giám sát những vấn đề quan trọng, bức xúc được cử tri quan tâm; kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, giám sát hoạt động chính quyền và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Lâm Đồng hôm nay đã đổi thay phát triển một cách sâu sắc và toàn diện. Càng tự hào bao nhiêu về những thành tựu từ khi có Đảng càng quý biết bao khi Đảng được các tầng lớp nhân dân gửi trọn niềm tin. Với thành tựu 90 năm ấy, sẽ tạo động lực quan trọng để Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục “Chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ, hoàn thành toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X” và để có được những thành quả tốt đẹp hơn nữa trong tương lai không xa.
HỒNG VĨNH - VÂN HẢO