BÀI 2: MẠI DÂM THỜI CÔNG NGHỆ
So với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, hiện nay, tình hình mại dâm ở Lâm Đồng không phức tạp, nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, hoạt động mại dâm cũng trá hình, tinh vi, khó kiểm soát hơn nhiều. Vì vậy, đòi hỏi công tác đấu tranh với loại hình tội phạm này cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 2.585 cơ sở lưu trú; 261 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 595 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó, có 305 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; 184 cơ sở karaoke, massage, bar và 106 loại hình khác…. Cùng đó, có khoảng 400 người bán dâm; trên dưới 800 nhân viên nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, chủ yếu là các địa điểm: massage, karaoke, bar…, tập trung chủ yếu tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng, đa số là người ngoài tỉnh đến hành nghề.
Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Thông qua công tác rà soát, thống kê các ngành chức năng đã đánh giá đúng thực trạng hoạt động mại dâm, tình hình nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Đặc biệt, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác phòng ngừa pháp luật trong phòng, chống mại dâm. Qua đó, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra 1.134 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 106 cơ sở với số tiền 448,3 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 22 cơ sở; nhắc nhở, yêu cầu tất cả các cơ sở được kiểm tra hoàn thiện hồ sơ, khắc phục các điều kiện kinh doanh, cam kết không để xảy ra hoạt động mại dâm, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Cùng đó, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã đã tổ chức kiểm tra 540 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; phát hiện 82 cơ sở vi phạm, rút 1 giấy phép kinh doanh, cảnh cáo, nhắc nhở 138 cơ sở, xử phạt hành chính 16 cơ sở với số tiền 48 triệu đồng.
Công tác phát hiện, đấu tranh phòng, chống mại dâm đã được công an các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 35 vụ, 83 đối tượng hoạt động mại dâm, đã khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng có hành vi môi giới, chứa mại dâm; xử phạt hành chính 14 vụ, 54 đối tượng có hành vi mua, bán dâm với số tiền 37,5 triệu đồng. Trong các vụ việc đã phát hiện, đấu tranh xử lý đều là các vụ việc mang tính nhỏ lẻ, mức độ cấu kết giữa người môi giới và người bán dâm không chặt chẽ, chưa phát hiện có dấu hiệu cấu kết hình thành băng nhóm tổ chức, môi giới, bảo kê, chăn dắt gái mại dâm, hoạt động mại dâm cao cấp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao là cơ quan chuyên môn, chủ trì, tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương. Theo đó, hằng năm, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, phân bổ kinh phí và huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm. Định kỳ, đột xuất báo cáo, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương. Chủ động phối hợp các ngành có liên quan và các địa phương lập hồ sơ, thống kê, phân loại đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả; thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm ở địa phương.
Trên thực tế, các hình thức mại dâm biến tướng như các đường dây “gái gọi”, môi giới, chào mời khách qua môi trường mạng internet, qua các ứng dụng zalo, facebook, tin nhắn đa phương tiện qua điện thoại di động,… hiện chưa có giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Việc kiểm soát, loại trừ các xuất bản phẩm độc hại, website, blog có thông tin, hình ảnh đồi trụy còn nhiều hạn chế nên công tác phòng, chống mại dâm gặp nhiều khó khăn.
Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mại dâm có lúc, có nơi chưa hiệu quả, nhất là một số cấp cơ sở; việc triển khai thực hiện chưa cụ thể, còn lúng túng; thiếu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm giữa các sở, ngành có lúc, có nơi còn nhiều hạn chế, chưa có sự thống nhất, đồng bộ; một số địa phương chưa chú trọng rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao, phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm kiếm việc làm để xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa bàn với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đề xuất Quốc hội sớm xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội. Qua đó, nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt, trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin