Chấn chỉnh hoạt động khai thác và sử dụng cao lanh

DIỄM THƯƠNG 19:22, 05/04/2023

(LĐ online) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, một số công ty khai thác cao lanh trên địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm chấn chỉnh tình hình quản lý, hoạt động khai thác và sử dụng cao lanh theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường công bằng, lành mạnh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Lâm Đồng chấn chỉnh hoạt động khai thác và sử dụng cao lanh
Lâm Đồng chấn chỉnh hoạt động khai thác và sử dụng cao lanh

CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM

Theo báo cáo của Sở xây dựng tại Văn bản số 576/SXD-KTXD ngày 20/3/2023 về việc rà soát, đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng cao lanh trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4 dự án đầu tư khai thác, chế biến cao lanh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cao lanh (các Công ty: Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng, Cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện, TNHH Anh Kiên); tổng vốn đăng ký đầu tư 523,914 tỷ đồng, diện tích thực hiện dự án 210,986 ha; trữ lượng 17.648.184 tấn. 

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các doanh nghiệp đã chủ động hoàn thiện các hồ sơ thủ tục về đất đai, môi trường, khoáng sản và xây dựng nhà xưởng, lặp đặt máy móc thiết bị để khai thác, chế biến cao lanh; báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản; chấp hành lắp đặt trạm cân, camera giám sát và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

Từ khi được cấp phép khai thác đến hết năm 2022, các doanh nghiệp đã khai thác 1.745.382 tấn cao lanh, nộp ngân sách nhà nước 174,010 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, các đơn vị chủ yếu khai thác cao lanh lộ thiên, xuất bán cao lanh thô cho các đơn vị tiêu thụ trong nước để sản xuất gạch men, gốm sứ, sơn; chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác; chậm đầu tư máy móc thiết bị chế biến sâu, tinh chế cao lanh để nâng cao giá trị gia tăng (ngoài Công ty cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng chủ động đầu tư 2 hệ thống chế biến, phân ly hạt cho ra các sản phẩm cao lanh chất lượng cao để sản xuất ống sứ, vật liệu chịu lửa và đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc với giá trị 1,393 triệu USD).

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư vẫn còn trường hợp thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật và bị cơ quan chuyên ngành (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thanh tra sở Kế hoạch đầu tư) xử phạt vi phạm hành chính. 

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ

Để hoạt động sản xuất, chế biến cao lanh tuân thủ đúng quy định, tạo môi trường công bằng, lành mạnh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị (Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng, Công ty Cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, Công ty TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện, Công ty TNHH Anh Kiên) chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong hoạt động khai thác chế biến, tiêu thụ cao lanh; kê khai sản lượng khai thác, chế biến, thuế, phí và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước theo quy định. 

Đồng thời, chủ động rà soát và hoàn thành các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư còn thiếu, chưa hoàn chỉnh; xây dựng lộ trình chế biến sản phẩm sau khai thác, tập trung nguồn lực để chủ động đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền khai thác gắn với chế biến, tinh chế sản phẩm cao lanh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu hồi tối đa sản phẩm, tiết kiệm khoáng sản đầu vào, hạn chế xuất bán sản phẩm thô chưa qua chế biến; thực hiện hoàn chỉnh dự án đầu tư theo chủ trương đầu tư đã được cấp (giấy chứng nhân đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư).

Chấp hành và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); hoàn thành trong Quý II/2023.

Trước khi lưu thông sản phẩm cát xây dựng trên thị trường (đối với khoáng sản cát đi kèm cao lanh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác thu hồi), yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện, Công ty TNHH Anh Kiên phải chấp hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (phải có giấy chứng nhận hợp quy, giấy công bố hợp quy hoặc thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của Sở Xây dựng).

Tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền) báo cáo tình hình hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cao lanh, gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản cao lạnh trên địa bàn theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 04/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2390 ngày 21/9/2021 về việc ban hành Đề án tăng cường chống thất thu thuế với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 918/UBND- TL ngày 10/2/2023 của UBND.

Các phòng, cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến cao lanh của tổ chức tại địa phương quản lý, đặc biệt là trong hoạt động vệ sinh môi trường tại hiện trường khai thác mỏ; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý các sai phạm trong hoạt động khai thác, chế biến cao lanh theo quy định.

Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn để kịp thời tham mưu, đề xuất bổ sung diện tích các dự án khai thác, chế biến cao lanh vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, làm cơ sở thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã cấp; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm (nếu có).

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến cao lanh của các tổ chức khai thác chế biến cao lanh trên địa bàn tỉnh; trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; hoàn thành trong Quý II/2023.

Sở Xây dựng hướng dẫn các tổ chức khai thác chế biến cao lanh trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cao lanh trên địa bàn tỉnh gửi cấp thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 04/2021/T-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng; tổ chức thẩm định, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án khai thác, chế biến cao lanh thuộc phân cấp và quy định tại Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh.

Sở Công thương chủ động thực hiện công tác quản lý, theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cao lanh và các quy định khác có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của ngành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến xuất, nhập khẩu cao lanh theo quy định. 

Cục Thuế tỉnh thực hiện tính, truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp khai thác, sản xuất, chế biến cao lanh theo quy định. 

Công an tỉnh Lâm Đồng xác minh xử lý dứt điểm hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khai thác cao lanh trái phép tại địa bàn (nếu có) theo quy định của pháp luật.