Khát vọng hoàn lương gửi từ những cánh thư

VIỆT QUỲNH 00:33, 13/06/2023

17 lá thư được viết sau cánh cổng trại tạm giam là 17 câu chuyện, nỗi lòng của những con người lầm lỡ. Mỗi lá thư không chỉ là sự ăn năn, hối cải, là tâm tư, tình cảm của những phạm nhân dành cho gia đình, người thân, mà còn là khát vọng hoàn lương, sớm trở về thành người có ích cho xã hội...

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép thực hiện với cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức cho phạm nhân
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép thực hiện với cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức cho phạm nhân

“Cánh thư hoàn lương” là tên gọi cuộc thi do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với trại tạm giam và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh lần đầu tiên tổ chức. Cuộc thi được phát động với mong muốn giúp phạm nhân có cơ hội chia sẻ tâm tư, tình cảm, nói lên chính cuộc đời, bài học của mình, cũng như bày tỏ nguyện vọng hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Khác với vẻ bề ngoài nam tính, những nét chữ trong lá thư của chị Nguyễn Thị Kim Nguyên - người giành giải Nhất cuộc thi lại hết sức nắn nót và mềm mại.

Chị Nguyên viết những dòng đầy cảm xúc trong những ngày cuối chịu án giam ở Trại tạm giam Công an tỉnh. Nhờ cải tạo tốt, dịp lễ 30/4 vừa rồi, chị đã được tại ngoại trước thời hạn. Chị chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội để tôi được nói lên tiếng lòng của mình, là những lời cảm ơn, xin lỗi từ tận đáy lòng muốn gởi đến ba mẹ nhưng chưa bao giờ dám nói hay nói nên lời”.

Chị viết rằng: “Tuy đây là lá thư đầu tiên con viết về ba mẹ nhưng từ ngày con đặt chân vào đây, không ngày nào con không nghĩ tới ba mẹ, anh chị và các cháu của con”. Bên cạnh những hối hận, ăn năn vì khiến ba mẹ có “đứa con tù tội”, chị Nguyên cũng dặn ba mẹ an lòng khi “mỗi ngày qua đi trong trại giam với con là một ngày của sự trải nghiệm về những giá trị thực sự của cuộc sống, một ngày con trút bớt gánh nặng lòng mình về quá khứ đầy tội lỗi, cũng có thêm một ngày con nhận ra rằng ngày về của con đang gần thêm một chút. Con hứa con sẽ cố gắng lao động, cải tạo thật tốt. Con mong ba mẹ và gia đình hãy tin rằng những giọt mồ hôi của con trên mảnh đất này, ngày mai sẽ ươm mầm cho một chồi non mới tốt đẹp hơn, cao quý hơn và đàng hoàng hơn kia. Nhất định con sẽ sớm nhận được sự khoan hồng để sớm trở về với ba mẹ của con”.

Phạm nhân Lê Đình Thìn lại dành những lời xin lỗi và yêu thương đến vợ của mình: “Thế là anh cũng đã xa em 9 tháng 16 ngày từ ngày anh bị bắt giam. Chắc giờ này em và con đã chìm vào giấc ngủ say sau một ngày dài vất vả vì công việc, có cả công việc của anh mà giờ này chỉ một mình em gánh vác. Anh biết và thấu hiểu nỗi vất vả của em”. Dặn dò người vợ giữ gìn sức khỏe và hướng dẫn con cái học hành, phạm nhân Lê Đình Thìn cũng kể thêm về cuộc sống nơi đang chấp hành án phạt tù: “Môi trường cải tạo rất tốt, phạm nhân bảo ban nhau chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ để được sớm trở về với gia đình. Cán bộ quản lý trại giam cũng luôn thấu hiểu, quan tâm, động viên, giúp đỡ để phạm nhân yên tâm cải tạo tốt”.

Đó là nội dung của 2 trong 17 bức thư đã được gởi về Ban Tổ chức Cuộc thi “Cánh thư hoàn lương”. Chị Trần Diệp Mỹ Dung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ: “17 lá thư của 17 phạm nhân là những câu chuyện khác nhau, nhưng thật sự đều là “cầu nối” tiếng lòng của người từng lầm lỡ, là những cảm nhận về giá trị sống tưởng chừng như bình dị với một công dân bình thường, nhưng lại là nỗi khát khao hoàn lương, mong mỏi ngày trở về đoàn tụ với gia đình, người thân, cộng đồng, xã hội. Ban Tổ chức tin rằng, những cánh thư hoàn lương cũng chính là động lực để các anh, chị phạm nhân cải tạo tốt, sớm trở lại là người công dân có ích”.

Anh Trần Phúc Hưng - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai cuộc thi, để phạm nhân mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng, tâm tư thầm kín của mình, các cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh đã thường xuyên động viên tinh thần cho các phạm nhân. Từ đó trình bày được nhận thức về các hành vi sai trái của mình trước đây và những tâm tư, nguyện vọng của bản thân sau khi tái hoà nhập cộng đồng. 

Cùng với Cuộc thi “Cánh thư hoàn lương”, trong những năm qua, Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức Chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn - Hội, đoàn viên, hội viên, thanh niên đối với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, đặc biệt là phạm nhân trong độ tuổi thanh niên. Từ đó, thể hiện vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân nói chung và phạm nhân trong độ tuổi thanh niên nói riêng có cơ hội được sớm tái hòa nhập với cộng đồng, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”.