Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng nổi cộm thời gian qua. Đồng thời, rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ, buông lỏng quản lý để mất rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lạc Dương |
Lâm Đồng xác định bảo vệ và phát triển rừng luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, từ đó đã chỉ đạo các ngành, các địa phương bám sát Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng để tập trung triển khai thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Nhờ đó, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra phức tạp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện 13 vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm xảy ra tại Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Cát Tiên và Bảo Lâm. Lũy kế số vụ vi phạm từ ngày 8/12/2022 đến ngày 24/5/2023 là 106 vụ với diện tích thiệt hại do phá rừng 10,51 ha; tổng khối lượng lâm sản thiệt hại trên 851 m3.
Về vấn đề lấn chiếm và tái lấn chiếm đất rừng, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng ghi nhận gần 80 vụ với diện tích trên 23 ha. Con số này tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức giải tỏa gần 17 ha trong tổng số gần 23 ha bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, thống kê có nhiều doanh nghiệp để xảy ra mất rừng, tái lấn chiếm đất rừng khi thực hiện dự án trên địa bàn một số huyện, thành phố.
Trước tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn để xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật có tính chất phức tạp, gây thiệt hại lớn đến rừng và tài nguyên rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng phá rừng trên địa bàn. Các cơ quan chức năng, địa phương của tỉnh tăng cường các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng theo quy định. Tiếp tục tổ chức rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương liên quan cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng mà không kiểm tra và báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục dự án đã được phê duyệt. Đặc biệt, phải giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tổ chức trồng lại rừng. Trường hợp doanh nghiệp tiếp tục để mất rừng trên diện tích lớn, quản lý, bảo vệ không hiệu quả thời gian dài, địa phương sẽ xem xét thu hồi dự án đã giao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin