Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, và là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông là biện pháp thiết thực đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống |
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ người uống rượu, bia ngày càng gia tăng, cứ 3 nam giới thì có 1 người uống rượu, bia ở mức nguy hại. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
Quyết liệt đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn chỉ đạo về việc triển khai thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động uống rượu, bia trong giờ hành chính.
Trong chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia gắn với phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức, làm chuyển biến nhận thức của người dân, nhất là thanh, thiếu niên về tác hại uống rượu, bia khi tham gia giao thông; đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” và phát động Phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.
Tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhằm góp phần hạn chế số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, triển lãm, chiếu phim, xe loa lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan… với các thông điệp mạnh mẽ: Đã uống rượu, bia thì không lái xe, lái xe thì không uống rượu, bia; Đã uống rượu, bia - không lái xe; An toàn giao thông nói không với rượu, bia”, “Không nồng độ cồn sau tay lái”, “Say xỉn lái xe là tội ác”; “Phía sau một tay lái là cả một gia đình”… đã được truyền đi mạnh mẽ bằng nhiều hình thức.
Trong đó, Sở đã thực hiện 550 buổi chiếu phim lưu động, 716 phướn, áp phích, pano về an toàn giao thông và tác hại của rượu, bia; tuyên truyền, cổ động trực quan, thông tin lưu động về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại các xã, phường, thị trấn và vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao kết hợp tuyên truyền về thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia tại các trường học, ngăn chặn tác hại của rượu, bia với thế hệ trẻ. Ngành đã phối hợp thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động quảng cáo, sản xuất, kinh doanh, khuyến mại rượu, bia trên thị trường, qua đó kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử phạt các hành vi vi phạm.
Cùng với công tác tuyên truyền, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế lái xe là biện pháp thiết thực kiềm chế tai nạn giao thông, đồng thời cũng là hành động thiết thực để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực thi trong đời sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, nhiều “sâu rượu” đã bị xử phạt nặng, là biện pháp đủ sức răn đe. Nhờ vậy đã có sự thay đổi hành vi; nhiều người đã biết từ chối uống bia, rượu khi lái xe ô tô, nhiều người biết chủ động chọn phương tiện di chuyển phù hợp khi đã sử dụng rượu, bia.
Nhưng trên thực tế, lượng rượu, bia tiêu thụ vẫn tăng lên hàng năm; người dân ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mua rượu, bia ở bất cứ địa điểm, cơ sở, cửa hàng tạp hóa nào vào thời gian nào với số lượng không bị hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp; sản lượng rượu sản xuất công nghiệp gần 2 triệu lít/năm, sản lượng rượu thủ công gần 4 triệu lít/năm. Có 94 tổ chức, cá nhân được cấp phép bán lẻ rượu với tổng sản lượng rượu bán ra lên đến 64 triệu lít/năm, và vẫn có xu hướng tăng hàng năm.
Trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài cho người dân thì cần nhiều biện pháp cứng rắn hướng tới giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin