Chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

THỤY TRANG 05:53, 19/07/2023

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 18, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực…

Kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch, phát triển đồng bộ
Kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch, phát triển đồng bộ

Là một tỉnh miền núi, với dân số trên 1,4 triệu người, nằm tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Lâm Đồng có trên 8.400 km đường bộ (6 tuyến quốc lộ, 6 tỉnh lộ, 89 đường huyện và 1 cao tốc), hơn 7,8 km đường sắt, 1 sân bay. Ngoài ra, tỉnh còn có 13 đoạn đường đèo, 10 tuyến cửa ngõ ra, vào; 3 tuyến đường thủy nội địa và nhiều hồ, đập phân bổ rộng khắp trên địa bàn. 

Toàn tỉnh hiện đang quản lý hơn 94 ngàn ô tô, trên 1,2 triệu mô tô các loại. Địa phương có gần 500 đơn vị với khoảng 2,4 ngàn lái xe, 2,5 ngàn phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải. Đây còn là địa bàn du lịch, nghỉ dưỡng, có lợi thế về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trung bình mỗi năm địa phương đón trên 5 triệu lượt khách, người lao động đến tham quan, nghỉ dưỡng, làm việc. Với những đặc điểm trên đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT.

Từ thực tế trên, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18 ngày 4/9/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện những vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, nhất là những bất cập, hạn chế về hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 06 ngày 11/11/2016, Chỉ thị số 31 ngày 22/4/2015 và xây dựng Kế hoạch số 57-TU ngày 1/11/2012 để thực hiện Chỉ thị 18. Qua đó chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm TTATGT, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và quản lý hoạt động vận tải nhằm bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hàng năm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông. Xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các cấp ủy, chính quyền; thực hiện xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phòng, chống tiêu cực liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các giải pháp quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phương tiện giao thông công cộng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ để bảo đảm TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.

Về phía các cấp ủy đảng, chính quyền; các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đã đồng loạt vào cuộc triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư về công tác bảo đảm TTATGT; xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng, từ đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp. Đồng thời, tăng cường, thường xuyên, liên tục, kiên trì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi tích cực ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông”.

Kết quả qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 18, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông được quy hoạch, phát triển đồng bộ, năng lực vận tải đường bộ được nâng cao. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được nâng lên rõ rệt. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải được tăng cường; lực lượng công an làm nòng cốt đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tham mưu hiệu quả, tăng cường tuần tra kiểm tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm, nhất là theo chỉ đạo của Bộ Công an trong thời gian gần đây về các vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, quá khổ, quá tải; và có các giải pháp hiệu quả để không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tai nạn giao thông đường bộ đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với 10 năm trước liền kề. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 1.986 vụ, làm 1.228 người chết, 1.507 người bị thương so với thời gian trước liền kề, số vụ tai nạn đã giảm 338 vụ, giảm 895 người chết và 110 người người bị thương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, sự phát triển về hạ tầng giao thông cũng chưa theo kịp sự gia tăng của hoạt động vận tải và phương tiện cá nhân. Việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải vẫn còn một số hạn chế nhất định, đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.