Đấu tranh mạnh với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế

LÊ TIẾN 03:35, 17/07/2023

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát Kinh tế tổ chức nhiều đợt cao điểm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế. Kết quả, số án tiếp nhận và khởi tố mới 59 vụ/105 bị can phạm tội về tham nhũng chức vụ kinh tế môi trường…

Kiểm tra vi phạm về hàng hóa quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ
Kiểm tra vi phạm về hàng hóa quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ

 

Là một trong những tỉnh có địa bàn rộng, đa dạng về thành phần dân cư, Lâm Đồng phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp, du lịch và cung ứng dịch vụ của khu vực phía Nam. Với đặc thù có nhiều tuyến quốc lộ nối liền với vùng Đông Nam Bộ, vùng Duyên hải miền Trung, Lâm Đồng cũng tiềm ẩn là thị trường tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng từ các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc đưa về, đây cũng là thị trường tiềm năng cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm nảy sinh, hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Kinh tế xây dựng nhiều kế hoạch, tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, số án tiếp nhận và khởi tố mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là 59 vụ/105 bị can phạm tội về tham nhũng chức vụ kinh tế môi trường. Số vụ vi phạm hành chính phát hiện 229 vụ/229 đối tượng có hành vi vi phạm về trật tự quản lý kinh tế, xử lý hành chính phạt tiền gần 685 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm, gồm: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định; tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng cấm…

Để đạt được những kết quả trên, ngoài việc tập trung công tác nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thì lực lượng Cảnh sát Kinh tế còn tập trung ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong bối cảnh các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn vận chuyển sử dụng công nghệ cao.

Trong những tháng còn lại của năm, do nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, các hoạt động phạm pháp về kinh tế sẽ gia tăng, đặc biệt là các ngành hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mứt, thuốc lá, rượu ngoại, hàng nông sản, đường, quần áo. Phòng Cảnh sát Kinh tế sẽ tiếp tục tập trung các biện pháp nghiệp vụ xác minh, nắm tình hình vào các địa bàn trọng điểm, các tuyến quốc lộ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. 

Bên cạnh đó, triển khai công tác tuyên truyền đến từng cơ sở kinh doanh, vận tải và người dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu.