Phòng, chống tham nhũng - cần quyết liệt, nghiêm minh

NGUYỆT THU 05:17, 28/07/2023

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Và những kết quả đạt được đã tạo ra dư luận tốt, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá rất cao công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua của Đảng, Nhà nước
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá rất cao công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua của Đảng, Nhà nước

Tại Lâm Đồng, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhiều năm qua đã có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả nhất định. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Việc phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được chú trọng thực hiện...

Ngày 10/5/2022, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đến ngày 5/8/2022, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố nhanh chóng được thành lập. Sau một năm hoạt động, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn hệ thống chính trị có sự chuyển biến ngày càng rõ nét; việc phát hiện, xử lý đã khắc phục được tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Điều đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

UBND tỉnh và các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với hình thức phù hợp và triển khai thực hiện nghiêm các nội dung như: tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng… 

Thông qua kết quả thực hiện, đã góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Theo thống kê, năm 2002, toàn tỉnh đã thực hiện được 131 cuộc thanh tra hành chính và 874 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 15 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 12 tỷ đồng, ban hành quyết định thu hồi, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 9 tỷ đồng. Kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế qua thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định…

Cũng trong năm 2022, Lâm Đồng đã phát hiện, khởi tố 10 vụ, 13 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Cụ thể, 2 vụ, 5 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”; 5 vụ, 6 bị can về tội “Tham ô tài sản”; 2 vụ, 2 bị can về tội “Giả mạo trong công tác” và 1 vụ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ khởi tố tội phạm về tham nhũng nhiều hơn 10 vụ, còn so với cùng kỳ năm 2021, số vụ khởi tố nhiều hơn 5 vụ. Số tiền thiệt hại là 3,4 tỷ đồng, đã thu hồi gần 2,3 tỷ đồng (đạt 66,47%), vượt chỉ tiêu đề ra (trên 60%).

Qua kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng tại một số địa bàn trong tỉnh, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Lâm Đồng nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương xuyên suốt, quan trọng của Đảng, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch về công tác phòng, chống tham nhũng đến Nhân dân; chú trọng đẩy mạnh việc nêu gương của cán bộ, đảng viên để nắm chắc, hiểu rõ, tránh bị động khi triển khai thực hiện nhiệm vụ; quan tâm thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Những trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm các quy định liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nếu có dấu hiệu hình sự buộc phải khởi tố điều tra theo quy định. Qua đó, tạo niềm tin cho Nhân dân để huy động sức dân cùng đóng góp xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh. 

Các cơ quan, địa phương, đơn vị cần triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế. Khi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, hành vi tham nhũng cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhưng phải hết sức thận trọng, khách quan để tránh oan sai. 

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.